Kiên Giang: Cưỡng chế thi hành án không đúng pháp luật

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Thi hành án dân sự bấy lâu là một vấn đề rất phức tạp, đa số do người bị thi hành án không tự nguyện. Vụ việc dưới đây lại cho thấy một nguyên nhân khác xuất phát từ chính cán bộ thi hành án.


Bản án dân sự phúc thẩm số 392/2008/DSPT ngày 15 và ngày 19-12-2008 của TAND tỉnh Kiên Giang phán xử như sau:


“Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Ong Dương Hải và ông Nguyễn Trường Sơn, người đại diện theo ủy quyền là ông Mai Thành Chính. Buộc các ông Lâm Hồng Mến, Nguyễn Quốc Cường, Trần Quốc Hoàn, Phan Văn Rô phải trả cho ông Ong Dương Hải và ông Nguyễn Trường Sơn 96.393.000 đồng, tiền thu hoạch sò lông (nếu các ông đã tự phân chia với nhau số tiền trên, thì mỗi người phải có trách nhiệm trả lại phần mình đã nhận).


Căn cứ bản án phúc thẩm trên, các ông Mến, Cường, Hoàn, Rô đã khiếu nại đến người có thẩm quyền yêu cầu giải quyết lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì lý do là: Vị trí tranh chấp mà Tòa án giải quyết là mặt nước biển, vị trí này không phải là vị trí thuê đất giữa các ông Hải, ông Sơn với UBND xã Bình An ghi trong Hợp đồng thuê đất số 04/CT ngày 25-8-2006. Theo vị trí thuê đất ghi trong hợp đồng thì đất mà các ông Hải, ông Sơn thuê là ở đất liền, cách xa nơi tranh chấp là mặt nước biển. Khiếu nại này chưa được giải quyết.


Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kiên Lương vẫn quyết định thi hành án bằng hình thức cưỡng chế thi hành án đối với ông Lâm Hồng Mến, đem bán đấu giá 156m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Lâm Hồng Mến. Theo chúng tôi, việc cưỡng chế thi hành án này của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kiên Lương là: Không theo nội dung quyết định của bản án dân sự phúc thẩm nói trên và không tuân theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:


Trong bản án phán xử là: Buộc các ông Lâm Hồng Mến, Nguyễn Quốc Cường, Trần Quốc Hoàn, Phan Văn Rô phải trả cho ông Ong Dương Hải và ông Nguyễn Trường Sơn 96.393.000 đồng tiền thu hoạch sò lông (nếu các ông đã tự phân chia với nhau số tiền trên, thì mỗi người phải có trách nhiệm trả lại phần mình đã nhận). Theo phán xử này thì các ông Mến, ông Cường, ông Hoàn và ông Rô tự phân chia với nhau về số tiền của từng người phải chấp hành án trong số tiền 96.393.000 đồng mà Tòa án đã quyết định phải trả.


Trong một biên bản giải quyết việc thi hành án giữa Chấp hành viên Huỳnh Văn Sáng với các ông Mến, ông Hoàn, ông Rô, các ông này đều trình bày là mỗi người phải trả 1/4 của số tiền 96.393.000 đồng và không đồng ý với việc cưỡng chế 156m2 đất của ông Mến.


Những người biết việc này đều đặt vấn đề vướng mắc là tại sao “ông Sáng” không chấp nhận việc tự nguyện thi hành án của các ông có nghĩa vụ phải chấp hành bản án mà cứ phải cưỡng chế bán đất của một người? Ông Sáng “làm oai” hay vì một nguyên nhân tế nhị khó nói?


Việc Chấp hành viên không chấp nhận sự tự thỏa thuận của các ông Mến, ông Cường, ông Rô về phần tiền của từng người đối với số tiền phải thi hành án đã là không đúng với quy định tại khoản 1, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành án dân sự có quy định như sau: “Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án”.


Sai phạm khác là: Trong Luật Thi hành án dân sự không có điều luật nào quy định cưỡng chế bán đấu giá quyền sử dụng đất của người phải thi hành án này để làm nghĩa vụ thi hành án của người khác. Do đó việc Chấp hành viên Huỳnh Văn Sáng kê biên bán đấu giá quyền sử dụng 156m2 đất của ông Lâm Hồng Mến để thi hành nghĩa vụ của các ông Nguyễn Quốc Cường, Trần Quốc Hoàn, Phan Văn Rô là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Thi hành án dân sự. Hành vi cố ý này đã vi phạm Điều 296 Bộ luật Hình sự gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lâm Hồng Mến.


Đỗ Văn Chỉnh

congly.com.vn