NASA công bố hình ảnh Hỏa tinh mới nhất chụp từ tàu thăm dò
Đời sống - Ngày đăng : 11:28, 04/03/2021
Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Theo Hãng tin Reuters, Perseverance cũng được lập trình để triển khai một trực thăng mini trên sao Hỏa và thử nghiệm các thiết bị phục vụ những nhiệm vụ của NASA do con người thực hiện trong tương lai.
Tàu thăm dò này được phóng lên từ Mũi Canaveral bởi tên lửa Atlas 5 của Công ty United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa hãng máy bay Boeing và Lockheed Martin.
Vụ phóng cũng đánh dấu hành trình thứ 9 của NASA lên bề mặt sao Hỏa. Đúng như NASA dự tính Perseverance đã đến sao Hỏa vào ngày 18-2-2021 và đáp xuống tại hố trũng Jezero rộng 45km.
Các nhà khoa học cho rằng Jezero từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm và các dấu tích vi sinh cổ đại có thể vẫn còn lưu lại ở đây.
Perseverance có một mũi khoan dùng để thu thập và tập hợp các mẫu lõi từ đá để phục vụ nghiên cứu trong những chuyến thám hiểm sau đó.
Sau khi đáp xuống Hỏa tinh, tàu thăm dò Perseverance liên tục gửi ảnh về Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để phân tích, nghiên cứu.
Hình ảnh của Perseverance và các thiết bị hỗ trợ khi đáp xuống bề mặt Hỏa tinh, được chụp bởi camera nghiên cứu độ phân giải cao (High Resolution Imaging Experiment) trên tàu quỹ đạo do thám Hỏa tinh (Mars Reconnaissance Orbiter) của NASA.
Qua hình ảnh có thể thấy được các tảng đá nằm rải rác, được chụp bởi camera màu bên dưới Perseverance khi tàu thăm dò đáp xuống bề mặt Hỏa tinh.
Ảnh trên cao chụp lại Perseverance sau 6 ngày đáp xuống “hành tinh đỏ” đã được công bố. Thông qua Perseverance, các nhà khoa học sẽ tìm kiếm dấu hiệu của sự sống vi sinh vật trên hành tinh trong quá khứ, phân tích đặc điểm địa chất và khí hậu, thu thập đất đá.
PIXL cũng trang bị camera chụp cận cảnh kết cấu đất đá. Chúng là thứ Perseverance phải tránh lúc di chuyển. Để khắc phục tình trạng đó, NASA đã thiết kế tàu thăm dò có thể nghiêng 45 độ mà không bị ngã.
Có hình ảnh về một tảng đá kỳ lạ cũng được chụp lại bởi Mastcam-Z. NASA gọi nó là “harbour seal” (hải cẩu cảng biển) vì hình dạng giống con hải cẩu.
Cùng với đó là những hình ảnh góc rộng cho thấy vành miệng núi lửa Jezero, cách nơi hạ cánh của Perseverance khoảng vài km. Các nhà khoa học cho rằng cách đây hàng tỷ năm, vị trí này chứa rất nhiều nước từ một con sông chảy ra hồ.
Qua một tấm hình được camera bên phải của Mastcam-Z phóng to cho thấy rất có thể đây là vùng đồng bằng châu thổ xa xưa của Jezero, bị chia cắt khỏi hệ tầng chính do xói mòn. Các lớp trầm tích của châu thổ là một trong những mục tiêu nghiên cứu quan trọng của Perseverance, giúp tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại.
Hình ảnh khác của miệng núi lửa Jezero khi Perseverance hạ cánh. Phần đất nổi bên phải là vùng châu thổ còn sót lại, được hình thành bởi một con sông cổ chảy vào miệng núi lửa. Các mẫu đất đá từ khu vực này sẽ được thu thập để mang về Trái Đất trong tương lai.