Bãi tập kết quặng “hành” dân?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Giữa tháng 4-2008, hàng trăm tấn quặng được tập kết tại khu vực đất thổ cư của người dân tại tổ dân phố Lương Thế Vinh (phường Trường Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hoá). Tưởng chúng chỉ nằm tạm ở đó ít bữa là sẽ được bốc đi, ai ngờ bãi quặng ấy cứ “thi gan” khiến người dân bị hành hạ do ô nhiễm môi trường từ đây gây ra.

Theo đơn thư kêu cứu của người dân, chúng tôi tìm về khu phố Bắc Nam. Ông Trưởng khu phố Nguyễn Hồng Nam không giấu được bức xúc: “Ban đầu ai cũng nghĩ, điểm tập kết quặng này chỉ là tạm thời thôi, không ngờ theo ngày tháng, những phiền toái do nó gây ra không hề nhỏ chút nào. Các anh biết đấy, miền biển như Sầm Sơn thì gió thổi rất mạnh. Thế là bao nhiêu bao quặng bục ra chúng theo gió bay vào khắp các ngóc ngách của các hộ gia đình. Trời mưa quặng trôi xuống đường, làm tắc hết hệ thống thoát nước nên mưa nhỏ đường cũng biến thành ao. Trời nắng thì mùi hôi ngai ngái rất khó chịu làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khoẻ của người dân trong khu phố”.

Đống quặng nằm trong khu dân cư đang hàng ngày hành dân

Theo chân ông Nam, chúng tôi tới nhà ông Đới Sỹ Na (63 tuổi), một trong những hộ dân được “tận hưởng” nhiều nhất các hệ luỵ từ ngày có bãi quặng. Trước nhà ông, một bãi quặng lớn đen kịt, phía trên cây dại mọc xanh um. Khi vào nhà ông Na, bộ bàn ghế dưới tán cây được phủ lên một lớp bụi đen. Chưa kịp mời khách uống ly trà, ông Na đã “tố” khổ: “Tự nhiên Đội quản lý thị trường số 2 đưa quặng về đây tập kết làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường sống của người dân khu phố chúng tôi. Các chú thấy đấy, bụi quặng bay đầy nhà cửa, mưa tràn hết ra đường, nắng thì khai không ai chịu được. Người già như chúng tôi sống trong cảnh này lúc nào cũng thấy nặng nề, trẻ con thì hay đau ốm, nhất là ho khi hít phải bụi từ đống quặng này. Người dân chúng tôi đã làm đơn kêu cứu gửi nhiều cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy hồi âm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Trọng, Kiểm soát viên đội QLTT số 2 cho hay: “Số quặng trên hơn 400 tấn được bắt vào giữa năm 2008, do không có kho, bãi tập kết nên buộc phải để ngoài trời như thế. Vì vậy người dân kêu là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi đã làm báo cáo gửi lên chi cục để có hướng xử lý thoả đáng”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chi cục phó Chi cục QLTT Thanh Hoá cho biết: Chi cục đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh cho thanh lý quặng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có Sầm Sơn. Việc phải tập kết quặng ngoài trời cũng là chuyện vạn bất đắc dĩ. Vì để như thế không chỉ hao hụt về trọng lượng mà còn giảm chất lượng. Được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, Chi cục đã phối hợp các cơ quan, ban ngành liên quan tiến hành thanh lý quặng. Tuy nhiên việc định giá hơi cao so với giá hiện tại. Ngoài ra các đơn vị tham gia mua lại rất hạn hẹp, chỉ có công ty nào chế biến chuyên sâu mới được mua nhằm tránh tình trạng quặng này trôi nổi trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh mới có Công ty Nam Việt là đủ điều kiện nhưng giá cả chưa thoả đáng nên họ chưa tham gia. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng tham gia và phối hợp với Sở tài chính định giá lại cho phù hợp. Trước mắt thì vẫn phải chờ”.

Nghĩa là người dân khu phố Bắc Nam vẫn phải “chờ” bởi chuyện định giá lại và tổ chức đấu giá thành công không phải là một sớm một chiều. Hy vọng, trong khoảng thời gian ấy, Chi cục QLTT Thanh Hoá sẽ có phương án giải quyết khả quan hơn để không tiếp tục làm ảnh hưởng tới người dân.

Thanh Phương

congly.com.vn