Cắt toàn bộ lưỡi bệnh nhân 72 tuổi để chữa trị ung thư
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:09, 02/03/2021
Người nhà bệnh nhân cho biết, ông có tiền sử hút thuốc lá. Nhiều tháng trước, ông có biểu hiện đau ở vùng lưỡi, luôn có cảm giác như bị xương cá đâm vào, tuy nhiên, bệnh nhân không đến bệnh viện thăm khám. Thời điểm đến bệnh viện kiểm tra, lưỡi bệnh nhân đã bị loét một vùng rộng, rỉ máu, cơ thể sụt cân nhanh…
Nam bệnh nhân 72 tuổi đã được bệnh viện tuyến địa phương chuyển đến BV Ung Bướu TP HCM với chẩn đoán là bị ung thư lưỡi.
Kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy người bệnh bị ung thư lưỡi với khối u lớn, tế bào ung thư đã lan vào hạch bạch huyết.
Để điều trị triệt căn ung thư, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi và thanh quản (dù ung thư không lan đến cơ quan này) để tránh nguy cơ bệnh nhân bị sặc vào đường thở. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tiến hành hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư.
Phẫu thuật thành công nhưng ông lại bị mất lưỡi hoàn toàn, dẫn tới thường xuyên bị sặc khi ăn và mất khả năng ngôn ngữ. Do vậy, các bác sĩ khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt, BV Ung Bướu TP HCM đã quyết định thực hiện phương pháp vạt cơ vùng đùi tái tạo lưỡi cho người bệnh. Sau khi được tái tạo lưỡi thành công, nam bệnh nhân đã ăn uống dễ dàng hơn, phát âm tương đối rõ giúp người nghe có thể hiểu được.
Theo các bác sĩ, ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng - lưỡi. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, dễ bị người bệnh bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân dẫn tới ung thư lưỡi vẫn chưa được bất kì tài liệu khoa học nào xác định cụ thể, tuy nhiên một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư lưỡi thường gặp trên các bệnh nhân có thể kể đến như: hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, nhai trầu, vệ sinh răng miệng kém, thiếu các vitamin A, D, E, thiếu sắt... hoặc các vi sinh vật có hại như virus HPV gây viêm dẫn tới phát sinh ung thư lưỡi.