Chính biến Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với hai cáo buộc mới

Chuyển động - Ngày đăng : 06:44, 02/03/2021

Bà Aung San Suu Kyi, cựu cố vấn nhà nước Myanmar, phải đối mặt với hai cáo buộc mới, ngoài hai tội danh đầu tiên mà quân đội đưa ra khi bắt giữ bà vào ngày 1/2, theo tin trên cổng thông tin Myanmar Now.

Bà Min Min Soe - luật sư đại diện cho Cố vấn Nhà nước Myanmar cho biết, bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint ngày 1/3 đã xuất hiện tại 1 phiên xét xử trực tuyến tại thủ đô Naypyitaw. Tại đây, bà đã đề nghị gặp nhóm pháp lý của mình trong quá trình xét xử trực tuyến.

Xuất hiện trước tòa thông qua video trực tuyến, bà Aung San Suu Kyi có vẻ trông rất khỏe mạnh, ông Min Soe - luật sư của bà cho biết.

aung-san-suu-kyi.jpg
Bà Aung San Suu Kyi

Theo Myanmar Now, phiên tòa đã đưa ra các cáo buộc mới nhằm vào bà, trong đó có việc lan truyền thông tin có thể “gây sợ hãi hoặc cảnh giác”.

Theo luật sư, cáo buộc ban đầu là tội nhập khẩu trái phép thiết bị thu phát sóng vô tuyến, theo đó bà Aung San Suu Kyi bị bắt vào ngày 1/2, và tội danh vi phạm luật phòng chống khắc phục thiên tai.

Nhà lãnh đạo quốc gia cùng hai người nữa tổ chức các cuộc mít tinh tranh cử vào mùa hè năm ngoái, trong thời gian hạn chế do đại dịch COVID-19. Đây là cáo buộc sử dụng công nghệ truyền thông nhập khẩu bất hợp pháp, không có đăng ký với nhà nước và kích động nổi loạn, gây rối, dựa trên một bức thư được lưu truyền trên Internet nhân danh bà Aung San Suu Kyi vào ngày bà bị bắt.

Dự kiến, phiên tòa xét xử bà tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 tới.

Cựu Tổng thống Myanmar Win Myint cũng bị buộc tội kích động bạo loạn, luật sư Min Soe cho biết thêm.

Hiện cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại về tình hình Myanmar. Ngày 2/3, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ nhóm họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề này.

Malaysia nhấn mạnh, ASEAN cần phải đóng một vai trò chủ động hơn trong việc giúp Myanmar trở lại bình thường. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi tất cả các bên Myanmar “phải hạn chế tối đa việc sử dụng bạo lực”, để tránh làm tình hình xấu đi.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cũng nhận định, việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa tại Myanmar là không chấp nhận được, đồng thời cho biết đang cân nhắc các lựa chọn để đối phó

Trước đó, Liên hợp quốc đã lên án hành vi bạo lực với người biểu tình tại Myanmar ngày 28/2 đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự nước này ngừng sử dụng vũ lực.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ tình trạng leo thang bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội ngay lập tức dừng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa", Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Cao ủy Liên hợp quốc, cho biết trong một thông báo.

Bạch Dương