Đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19, bị xử lý như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:37, 28/02/2021
Hỏi: Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội, phát tán tin đồn về các loại thuốc, phương pháp hay những dụng cụ khác có thể chữa khỏi, phòng và chống virut không đúng sự thật để nhằm trục lợi. Vậy cho tôi hỏi hành vi đưa ra thông tin sai sự thật hay có hành vi buôn bán các loại thuốc, dụng cụ y tế có thể chữa khỏi dịch bệnh Covid–19 sẽ bị xử lý như thế nào?
Đỗ Minh Tiến, Hà Nội
Trả lời:
Thứ nhất, về hành vi buôn bán, cung cấp các loại thuốc, dụng cụ y tế giả có thể chữa khỏi bệnh Covid–19.
Theo Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016 thì các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm theo quy định:
“5. Kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả;
b) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng;
c) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc danh Mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất;
d) Thuốc thử lâm sàng;
đ) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc làm mẫu để đăng ký, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia trưng bày tại triển lãm, hội chợ…”.
Như vậy, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 của Luật Dược năm 2016. Và căn cứ tùy theo những mức độ và tính chất của hành vi này gây ra, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như gần đây xuất hiện các đối tượng tung tin, rao bán các loại vacxin có thể chống lại được virut Covid – 19.
Trong khi đó, tại khoản 13 Điều 2 Luật Dược năm 2016 có quy định: “Vắc xin là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh.” Do đó, với việc tạo ra vắc xin giả, trong đó có vắc xin giả phòng dịch bệnh Covid - 19 thì hành vi có dấu hiệu của “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự, với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Không những vậy, đối với những hành vi đưa ra thông tin giả về các phương pháp chữa trị hay các loại thuốc có thể chữa khỏi hay phòng chống dịch bệnh Covid–19 không đúng sự thật nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản đều là những hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Chính vì vậy, đối với những hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sụng là: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự).
Ngày 30/3/2020, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn về các hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19. Bên cạnh đó tại tiểu mục 1.6 Mục 1 của công văn này cũng đề cập đến việc xử lý vi phạm hình sự đối với hành vi “Lợi dụng dịch bệnh Covid 19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư ý tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Thứ hai, đối với hành vi phát tán, chia sẻ, tung tin lên các trang mạng xã hội về các phương pháp, thuốc hay các dụng cụ có thể phòng, chống, chữa khỏi bệnh Covid – 19 không đúng sự thật.
Tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định việc cá nhân sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288).
Ở đây, hiện nay nhà nước đang chung tay phòng, chống và chữa trị nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid -19 và đã ban hành các văn bản nghiêm cấm đưa, phát tán, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh, những thông tin chưa được kiểm duyệt theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn có một số hành vi tự ý hay cố tình phát tán những thông tin trên nhằm mục đích câu like, câu view thậm chí có người lợi dụng để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác đều phải được xử lý theo pháp luật hình sự tùy theo mức độ, hành vi của mình theo Điều 288, Điều 174 BLHS năm 2015.
Như vậy, việc tung tin thất thiệt, tin giả, tin đồn vô căn cứ,…mà gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là vi phạm Luật An ninh mạng cũng như Luật Hình sự năm 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với hình phạt cho các hành vi này đã được nêu rõ, cụ thể tại Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Tại khoản a điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện quy định: “người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng”.
Ngoài ra, trong Nghị định này cũng quy định rõ nếu người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định hình sự tại điều 288 BLHS năm 2015.