Nga tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Sputnik Light
Chuyển động - Ngày đăng : 15:20, 28/02/2021
Theo Sputnik, những người đầu tiên tham gia thử nghiệm loại vaccine ngừa COVID-19 này đã được tiêm chủng vào ngày 27/2 (giờ địa phương).
Phát biểu với báo giới, bà Rakova cho biết bất kỳ ai trên 18 tuổi và không có chống chỉ định về y tế đều có thể tình nguyện tham gia thử nghiệm Sputnik Light, chẳng hạn như chưa tiêm chủng trong vòng một tháng, không có kháng thể với SARS-CoV-2 và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cấp.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính nặng không được khuyến khích tham gia thử nghiệm và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được tham gia.
Theo bà Rakova, loại vaccine này sẽ được dùng cho người trẻ, từ 18-30 tuổi. “Sputnik Lite kết hợp với Sputnik V sẽ mang lại nhiều cơ hội tiêm chủng hơn”, Phó thị trưởng Moscow nói.
Loại vaccine này được khuyến cáo sử dụng với một liều duy nhất để bảo vệ mọi người khỏi căn bệnh nguy hiểm viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong thời gian từ 4-5 tháng.
Vaccine Sputnik Light do Viện Gamaleya phát triển nhằm mục đích loại bỏ hạn chế chính của Sputnik V, đó là sự hiện diện của hai thành phần khác nhau được tiêm cho bệnh nhân sau hai mũi tiêm cách nhau vài tuần.
Vào ngày 18/2, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt việc chuyển sang giai đoạn thứ ba của thử nghiệm vacine này, theo giải thích của cơ quan đăng ký phê duyệt cho các thử nghiệm lâm sàng ở Nga.
Ngoài ra, thủ đô Moscow đang có kế hoạch nghiên cứu dạng vaccine nhỏ mũi. Trung tâm mang tên Gamaleya đang chuẩn bị hồ sơ để xin phép Bộ Y tế Nga, dự kiến hình thức chủng ngừa này sẽ phù hợp cho những người chống chỉ định tiêm.
Sputnik V của Nga thực chất là 2 loại vaccine khác nhau, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vector là virus rAd26 (cùng loại với vaccine đang được phát triển bởi Johnson & Johnson và Trường Y Harvard). Liều thứ hai là các vector rAd5 (cùng loại với vaccine đang được CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).
Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một ý tưởng đột phá là sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau (rAd26 và rAd5) cho lần tiêm chủng thứ nhất và thứ hai. Người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi, sử dụng hai loại vector khác nhau là rAd5 và rAd26. Bằng cách này, chúng sẽ “đánh lừa” cơ thể, kích thích miễn dịch đối với vector đầu tiên và tăng hiệu quả của vaccine với mũi thứ hai sử dụng vector khác.