"Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé"

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:44, 27/02/2021

Đó là lời dặn đầy yêu thương của mẹ dành cho 3 người con, trong đó có điều dưỡng Nguyễn Danh Quang trước khi anh lên đường vào tâm dịch Chí Linh (Hải Dương) để làm nhiệm vụ. Với anh, đó như là một sự tiếp sức mạnh mẽ, vô giá để "khó khăn nào cũng sẽ vượt qua".

Niềm vui được tham gia chống dịch

Anh Nguyễn Danh Quang (SN 1995) là điều dưỡng "trẻ măng" của Khoa Khám bệnh và cấp cứu, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương. Anh Quang là một trong những thầy thuốc được Sở Y tế Hải Dương điều động để tiếp ứng cho Bệnh viện Dã chiến số 1 đóng tại Trung tâm y tế TP Chí Linh.

Trong mắt của chàng tân binh ngành y thì đây thực sự là một niềm vui đặc biệt. Anh Quang tâm sự: "Ngay từ đầu mùa dịch, tôi và các đồng nghiệp đã tự lên dây cót tinh thần để sẵn sàng tham chiến bất kể lúc nào nhận được lệnh. Khoảnh khắc nhận thông báo sẽ xuất phát vào Chí Linh, tôi cảm giác rất vui mừng. Mừng vì đã có cơ hội được giúp các đồng nghiệp đang vất vả những ngày qua. Mừng vì mình còn trẻ không vướng bận gia đình thì lên đường sẽ đỡ "nặng lòng" hơn các đồng nghiệp khác".

quang2.jpg
Anh Quang (thứ 8 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp của Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương chụp hình lưu niệm trước khi đến Chí Linh nhận nhiệm vụ.

Những ngày này, bà con họ hàng, láng giềng ai cũng dành những lời trân trọng cho gia đình anh Quang vì "nhà có hẳn 3 chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch".

Anh trai của Quang là bác sĩ Nguyễn Danh Sáng (SN 1990, công tác tại Khoa Ngoại, Trung tâm y tế huyện Cẩm Giàng). Chị dâu là điều dưỡng Bùi Thị Chung (SN 1991, điều dưỡng Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương). Cả hai anh chị của anh đều đã tham gia công tác chống dịch từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa về.

Ở Trung tâm y tế Chí Linh, anh Quang nhận được nhiệm vụ đến tận từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu. Công việc bắt đầu từ sáng sớm có khi kéo dài đến 9-10h tối. Những ngày đầu, anh Quang lúc nào cũng "lâng lâng" vì say việc. Anh kể: "Ngay từ khi được phân công công việc tôi đã hòa mình ngay vào guồng máy của các anh chị em ở Trung tâm y tế Chí Linh. Trong tim tôi khi nào cũng thấy thổn thức. Thổn thức khi đọc được những dòng tin tức về tâm dịch Hải Dương, về Chí Linh. Tôi cảm thấy mình như một phần ở trong đó. Anh chị của tôi cũng tham gia chống dịch nên tôi càng cảm giác tự hào hơn".

quang1.jpg
Điều dưỡng Nguyễn Danh Quang bên chiếc xe cấp cứu quen thuộc để di chuyển, lấy mẫu tại TP Chí Linh.

Gia đình đón giao thừa online

Những ngày làm việc vừa qua ở tâm dịch Chí Linh, không hiếm có những lúc anh Quang và các y bác sĩ chạnh lòng. Anh Quang tâm sự: "Nhiều lúc đến nhà người dân lấy mẫu, họ chưa hiểu nên sinh tâm lý lo sợ, giận dữ mình. Rồi lại thấy những ý kiến trên mạng xã hội chưa hài lòng với công tác xét nghiệm của Hải Dương. Có hôm, nhận được yêu cầu phải lấy khẩn cấp 1.000 mẫu xét nghiệm trong một xã. Cấp trên giục liên tục, anh em làm hết sức, trời đã nhá nhem tối mà vẫn còn tận 800 mẫu. Khoảnh khắc đó, chúng tôi vừa sốt ruột lại vừa có chút chạnh lòng".

Với những người đi lấy mẫu như anh Quang thì điều vất vả nhất chính là nói chuyện,truyền đạt với bà con qua lớp đồ bảo hộ kín bưng. Anh Quang kể: "Bộ đồ bảo hộ thì kín nên mỗi khi muốn giải thích cho bà con về quy trình lấy mẫu, gần như chúng tôi phải hét lên. Hôm nào về, anh chị em cũng cổ họng nghẹn cứng không nói ra thành lời. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ phía trước ai cũng thấy mạnh mẽ mà vượt qua tất cả".

quang3.jpg
Điều dưỡng Quang đang kiểm mẫu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Những ngày vừa qua, anh Quang chỉ ngủ được trung bình khoảng 4-5 tiếng đồng hồ cho mỗi ngày. Không chỉ đi lấy mẫu xét nghiệm,mà anh Quang còn được nhận nhiệm vụ đi giao mẫu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nhiều hôm, 3h sáng, anh mới bắt đầu di chuyển từ Trung tâm y tế TP Chí Linh đi.

Khoảnh khắc đi trên xe, trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm, phút giây nghĩ về nghề thật đặc biệt: "Ngồi trên xe, tựa đầu cạnh đồng nghiệp anh chị em nói đùa: "Sao ông trời sắp đặt mình chọn cái nghề này nhỉ?". Rồi lại nghĩ đến câu nói của mẹ lúc tiễn mình lên đường: "Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé". Thế mà khóc được...".

Tết này, cả nhà đón Giao thừa cùng nhau tận 4 "điểm cầu" kết nối qua Zalo. 3 điểm cầu ở các Trung tâm y tế, Bệnh viện và 1 điểm cầu có bố mẹ thân yêu. Anh Quang và anh chị của mình đều đang trong một sứ mệnh đặc biệt với nghề Y. 27/2 này các anh chị vẫn chưa thể về nhà.

"Tết ngành y" (27/2) không hoa cũng chẳng quà, nhưng như anh Quang nói: "Món quà lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân được khỏe mạnh. Mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân Covid-19 xuất hiện là mỗi lần mình thấy nhẹ nhõm. Họ cũng như người thân mình vậy!".

Huy Hoàng - Đức Tùy