Đất lâm nghiệp bị "xẻ thịt" vô tội vạ!?
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012
Những đoàn xe đang “xẻ thịt” đất lâm nghiệp
Đất lâm nghiệp bị “xẻ thịt”!
Lần theo những vết tích của bánh xe ô tô chạy dính đầy đất để lại, chúng tôi tìm đến khu vực dốc Quán Châu (xã Hợp Thắng), nơi những chiếc máy xúc và ô tô vẫn hàng ngày ngang nhiên “làm việc” không quản nắng mưa. Nếu như ai đó đi qua trông thấy những chiếc xe ô tô chở đất nối đuôi nhau ra vào, tiếng máy ồn ào và khói bụi mù mịt, họ sẽ nhầm tưởng đó là một công trường đang hoạt động náo nhiệt, nhưng thực ra đó lại là khu vực đất đồi dùng cho lâm nghiệp đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Những hàng cây bạch đàn đang đứng trên cao nhìn xuống bờ vực thẳm chờ ngày phán quyết bởi “cánh tay tử thần” của chiếc máy xúc. Những khoảng đất có thể sạt lở bất cứ lúc nào và giờ đây quả đồi trồng cây có diện tích 5,6ha giống như quả táo đã bị đứa trẻ con cắn nham nhở, chỉ còn lại gần 3,6ha. Có thể “quả táo” đó sẽ không còn nữa chỉ trong nay mai nếu như tình trạng trên tiếp tục xảy ra, bởi tham gia khai thác đất không chỉ là các hộ nhỏ lẻ mà còn có cả các doanh nghiệp tư nhân với khối lượng đất lớn.
Trở vào UBND xã Hợp Thắng trong bộ dạng bị bụi nhuốm đỏ khắp người, ông Lê Huy Lịch, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Được sự thống nhất của UBND huyện, Phòng TNMT, năm 2006 xã đã có quyết định cho một số hộ tại khu vực dốc Quán Châu khai thác đất sỏi nhằm hạ thấp độ cao để chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây lâm nghiệp sang cây ăn quả. Tuy nhiên, cho đến ngày 6-5-2011, Chủ tịch xã đã ra quyết định về việc ngừng khai thác đất đồi nói trên. Do việc khai thác đất vẫn tiếp tục diễn ra, ngày 29-12, xã có báo cáo lên UBND huyện, Phòng TNMT, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh về tình trạng trên. Đến ngày 30-12, UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo tăng cường cùng với Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh kết hợp với lãnh đạo địa phương xử lý tại chỗ một số trường hợp vi phạm. Ngoài ra xã đã phối hợp với lực lượng Công an địa phương triển khai nhiều đợt khác để giải quyết tình trạng trên nhưng sau một thời gian rồi đâu lại vào đó. Do thẩm quyền của cấp xã có hạn nên chúng tôi không thể giải quyết bằng biện pháp khác, đề nghị các Sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng trên”.
Lãnh đạo huyện thờ ơ
Trước câu hỏi, ai “bật đèn xanh” cho các tổ chức, cá nhân xẻ thịt đất lâm nghiệp, chúng tôi tìm tới UBND huyện Triệu Sơn. Theo Quyết định số 2275/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ngày 14/7/2011 về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn, chúng tôi gọi điện thoại gặp ông Trần Sỹ Bình, Chánh văn phòng. Ông Bình sắp xếp cho PV làm việc với Phòng TNMT. Tuy nhiên, khi đến đây chúng tôi được đón tiếp bằng cách hẹn từ ngày này sang ngày khác, đi từ phòng này sang phòng khác và cuối cùng lại quay trở lại với ông Chánh văn phòng. Những ngày sau đó, PV tiếp tục liên lạc thì chỉ nhận được hai từ gọn lỏn “đang họp”!
Trước thực trạng này, đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hoá sớm có biện pháp cần thiết, nhằm giải quyết triệt để hoạt động vi phạm Luật Đất đai nói trên.
Hoài Anh