Tin vắn thế giới ngày 27/2: Mỹ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson
Chuyển động - Ngày đăng : 07:47, 27/02/2021
ASEAN tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Myanmar
Theo Kyodo ngày 26/2, các nguồn tin ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho biết khối sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong tuần tới để thảo luận về tình hình Myanmar.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng 2 này.
Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn 3 Công ước của LHQ
Ngày 26/2, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn thêm 3 công ước quan trọng của LHQ về quyền của người lao động vốn bị trì hoãn từ lâu do các doanh nghiệp và các chính trị gia bảo thủ ở nước này phản đối.
Theo đó, 3 Công ước được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn và thông qua đó là Công ước số 29 về lao động bị ép buộc, Công ước số 87 về tự do tham gia và lập hội nhóm, Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Hàn Quốc chỉ còn chưa phê chuẩn Công ước 105 về xóa bỏ hình thức ép buộc lao động.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm nhân sự cấp cao
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 25/2, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã thông báo việc bổ nhiệm bà Ligia Noronha làm Trợ lý Tổng Thư ký, kiêm người đứng đầu Văn phòng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại New York, Mỹ.
Bà Noronha sẽ kế nhiệm ông Satya Tripathi, người được Tổng Thư ký Guterres đánh giá cao vì vai trò lãnh đạo và sự tận tâm với công việc trong nhiệm kỳ vừa qua.
Iran và Syria kêu gọi phương Tây tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Syria Faisal Mekdad ngày 26/2 lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria.
Iran cảnh báo chấm dứt thỏa thuận tạm thời mới đạt được với IAEA
Iran cảnh báo sẽ chấm dứt một thỏa thuận mang tính tạm thời đã ký với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào cuối tuần trước nếu IAEA ủng hộ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu chỉ trích Tehran trong cuộc họp vào tuần tới.
G20 phối hợp vực dậy nền kinh tế toàn cầu
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tiếp tục tiến hành các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19, do khả năng phục hồi có thể lâu hơn dự kiến ban đầu.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng trước. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế bùng phát trên phạm vi toàn cầu, điều phối và hợp tác đa phương đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Mỹ trừng phạt nhiều quan chức Saudi Arabia liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Ngày 26/2, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Saudi Arabia sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy những người này có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Ahmad Hassan Mohammed al Asiri, cựu Phó Chủ tịch Tổng cục Tình báo và Lực lượng can thiệp nhanh của Saudi Arabia (RIF) cùng một số thành viên của cơ quan này. Những người có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được tiến hành các giao dịch, buôn bán trên đất Mỹ. Thông báo cũng nói rõ al Asiri là "kẻ cầm đầu" vụ sát hại nhà báo Khashoggi với sự giúp sức của một số thành viên RIF.
Trung Quốc tiếp tục miễn trừ thuế với một số loại hàng hóa Mỹ
Ngày 26/2, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiếp tục miễn thuế bổ sung đối với một số hàng hóa của Mỹ cho đến tháng 9/2021.
Theo Reuters, thông báo của ủy ban trên nêu rõ, sau khi gia hạn, lệnh miễn trừ sẽ kéo dài đến ngày 16/9/2021.
Phát hiện 12 ca mắc COVID-19 trên tàu hải quân Mỹ ở Trung Đông
Một tàu Hải quân Mỹ đang hoạt động tại Trung Đông được phát hiện có 12 ca mắc COVID-19, trong khi một tàu khác trong khu vực này đang được xét nghiệm xem có thủy thủ nào bị mắc hay không.
Nga, Áo đàm phán về cung cấp và sản xuất vaccine Sputnik V
Trong cuộc điện đàm ngày 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã nhất trí đàm phán về vấn đề cung cấp và cùng sản xuất vaccine Sputnik V của Nga.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: "Các vấn đề đối phó với sự lây lan của dịch bệnh đã được (hai nhà lãnh đạo) thảo luận chi tiết, trong đó có khả năng cung cấp vaccine Sputnik V của Nga cho Áo, cũng như thiết lập hoạt động sản xuất chung vaccine".
Mỹ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson
Ngày 26/2, một hội đồng độc lập gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson chỉ dùng một liều và nếu được cấp phép trong những ngày tới, đây sẽ là vaccine thứ ba được sử dụng tại Mỹ, sau hai vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna được phê duyệt từ tháng 12 năm ngoái và đang được dùng tiêm phòng cho người dân.
Nghiên cứu mới: Vaccine của Pfizer/BioNTech giảm lây nhiễm sau một liều duy nhất
Một nghiên cứu mới của Anh ngày 26/2 cho biết chỉ với một liều duy nhất, vaccine của hãng Pfizer/BiOTech cũng có thể làm giảm số ca nhiễm không triệu chứng cũng như ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.
Indonesia triển khai song song chương trình tiêm phòng COVID-19
Indonesia đã cho phép triển khai chương trình tiêm phòng do khu vực tư nhân thực hiện, song song với chương trình tiêm chủng đại trà của quốc gia.
Theo kế hoạch này, các công ty có thể mua vaccine từ nhà nước để tiêm cho nhân viên của mình. Công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma sẽ phụ trách phân phối vaccine và việc tiêm phòng phải được thực hiện tại các trung tâm y tế tư nhân. Theo một văn bản hướng dẫn cấp bộ, nhân viên các công ty và gia đình của họ sẽ không phải tự trả tiền tiêm vaccine và mức giá trần sẽ được chính phủ quyết định.
Bộ trưởng Y tế Ecuador từ chức
Ngày 26/2, Bộ trưởng Y tế Ecuador Juan Carlos Zevallos đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Lenin Moreno trong bối cảnh vị quan chức này đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích và tố cáo liên quan tới việc điều hành chương trình thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 được áp dụng từ hồi tháng 1/2021.
Myanmar kéo dài lệnh hạn chế nhập cảnh
Ngày 26/2, Bộ Ngoại giao Myanmar thông báo kéo dài các biện pháp hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với mọi du khách cho đến ngày 31/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Việc gia hạn này sẽ được áp dụng để đình chỉ tạm thời mọi loại thị thực, trong đó có các dịch vụ thị thực thăm viếng và miễn thị thực.
Campuchia khẩn cấp cứu trợ cho học sinh vùng biên giới
Ngày 26/2, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia phối hợp cùng Chính phủ Thụy Điển và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẩn cấp hỗ trợ sách giáo khoa một số môn chính cho các học sinh ở khu vực biên giới đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học do nhiều cơ sở trường lớp đã được sử dụng làm trung tâm cách ly trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hungary và Pháp cân nhắc siết chặt biện pháp hạn chế
Ngày 26/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này có thể xem xét siết chặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 được dự báo sẽ tăng mạnh trong 2 tuần tới.
Trong khi đó, Pháp cũng đang xem xét đề xuất áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Czech ban bố tình trạng khẩn cấp mới
Thủ tướng Czech Andrej Babis ngày 26/2 cho biết nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 30 ngày, kể từ ngày 27/2.
Lệnh tình trạng khẩn cấp mới được chính phủ Czech ban bố trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến tồi tệ nhất kể từ khi bùng phát. Trong những tuần gần đây, Czech là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới khi ghi nhận gần 20.000 trường hợp tử vong trên tổng số chỉ 10,7 triệu dân.
Bỉ hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19
Biến thể của virus SARS-Cov-2 xuất hiện ở Anh vào cuối năm ngoái với khả năng lây lan nhanh hơn đang hoành hành tại Bỉ và là nguyên nhân chính làm cho dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở quốc gia được mệnh danh “Trái tim của châu Âu”, đồng thời khiến chính phủ nước này phải lùi kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Nhật Bản dỡ bỏ trước thời hạn tình trạng khẩn cấp tại 6 tỉnh
Ngày 26/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ trước thời hạn tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở 6 trong số 10 tỉnh, thành.
Theo quyết định này, tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Aichi, Gifu, Kyoto, Osaka, Hyogo và Fukuoka từ ngày 28/2 do tình hình dịch bệnh ở các địa phương này đã cải thiện rõ rệt.
Chuyên gia Anh gợi ý về nhóm ưu tiên tiêm chủng
Ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn cho Chính phủ Anh, giáo sư Wei Shen Lim cho rằng chương trình tiêm chủng ở nước này nên tiếp tục ưu tiên đối tượng theo độ tuổi hơn là theo tính chất nghề nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giáo sư Lim cho biết chương trình tiêm chủng ở Anh căn cứ theo độ tuổi rất đơn giản và vận hành tốt. Do vậy, nước này nên tiếp tục chương trình tiêm chủng theo kiểu như vậy. Hiện các nhân viên trên tuyến đầu chống dịch ở Anh như cảnh sát và giáo viên đã được yêu cầu nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng dựa trên đặc thù công việc của họ.
Hãng RIA: Mỹ chỉ báo cho Nga vài phút trước khi không kích Syria
Theo hãng thông tấn RIA, ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mỹ đã báo trước cho Nga chỉ vài phút trước khi thực hiện cuộc không kích vào miền Đông Syria, một khoảng thời gian mà ông cho là không đủ.
Đức duy trì cam kết đối với tiến trình hòa bình tại Afghanistan
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer tuyên bố như trên trong chuyến thăm ngày 26/2 tới thành phố Mazar-i-Sharif của Afghanistan, nơi tập trung đa số binh sĩ Đức được triển khai tại quốc gia này.
Theo tuyên bố, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer cho rằng Afghanistan cần gấp một giải pháp hòa giải giữa các nhóm đối lập ở nước này, và mục tiêu của Đức vẫn là một cuộc rút quân có trật tự.
Người dân bang Texas đệ đơn đòi nhà bán điện bồi thường 1 tỉ USD vì tính giá ‘cắt cổ’
Người dân Texas đã đệ đơn kiện tập thể đòi nhà bán lẻ điện Griddy Energy bồi thường 1 tỉ USD vì tính giá “cắt cổ” trong cơn bão tuyết lịch sử vào tuần trước.
Theo ABC News, bà Lisa Khoury đại diện cho cư dân hạt Chambers, bang Texas, Mỹ, đã đệ đơn kiện lên tòa án vào hôm 22/2. Bà cho biết hóa đơn tiền điện của gia đình bà đã tăng lên 9.340 USD trong tuần bão. Theo đơn kiện, các hóa đơn trung bình hàng tháng của bà chỉ thường dao động khoảng 200 - 250 USD.
Nổ tàu trên Vịnh Oman
Ngày 26/2, Cơ quan Điều phối vận tải đường biển của Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết đã xảy ra nổ trên một con tàu neo đậu ở Vịnh Oman.
Theo UKMTO, vụ việc xảy ra vào lúc 20h40 GMT ngày 25/2 (tức 3h40 ngày 26/2 - giờ Việt Nam). Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra làm rõ. Thủy thủ đoàn đều an toàn.
4 người đi bộ trên băng tại Thụy Điển thiệt mạng
Cảnh sát Thụy Điển cho biết 4 người đã thiệt mạng khi bị thụt xuống nước trên hồ băng ở phía Nam Thụy Điển ngày 26/2, trong khi nước này đang trải qua thời tiết ấm áp trái mùa.
Hơn 300 nữ sinh bị bắt cóc tại Nigeria
Ngày 26/2, giới chức địa phương xác nhận hơn 300 trẻ em tại một trường học ở bang Zamfara, miền Tây Bắc Nigeria, đã bị bắt cóc.