Những mũi tiêm công bằng
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 12:26, 26/02/2021
Sau thời gian chờ đợi, 117.000 liều AstraZeneca đầu tiên đặt mua đã về đến Việt Nam. Hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm ngay từ đầu tháng 3. Hiện, Bộ Y tế đang khẩn trương chuẩn bị các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành Y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo độ bao phủ, hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ Y tế đến nay, Việt Nam đã có chắc chắn 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó có 30 triệu liều từ chương trình COVAX, 30 triệu liều còn lại do Việt Nam đặt mua.
Chiến lược là 100 triệu dân được tiêm vaccine, nhưng không thể cùng lúc tiêm cho 100 triệu dân và cũng không đủ vaccine ngay một lúc để tiêm. Vì vậy, về đối tượng ưu tiên tiêm sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vaccine phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Nguyên tắc chung là vaccine sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do COVID-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông quan trọng.
Tại thời điểm trước, khi những vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được thử nghiệm thành công ở một số nước, thế giới cũng xuất hiện một số ý đồ và động thái ở một số nơi tranh giành vaccine và chiếm độc quyền vaccine, khiến cho viêc cung ứng và phân phối vaccine khó có thể nói là công bằng. Theo số liệu của Oxfarm, nhóm các nước giàu, chiếm 13% dân số toàn cầu, đã đặt mua hơn 50% lượng vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của thế giới. Có quốc gia còn mua đủ để tiêm ba lần cho người dân nước họ, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên.
Trong khi dịch bệnh là vấn đề của toàn nhân loại, không riêng một quốc gia hay địa phương nào có thể một mình giải quyết. Về khía cạnh nào đó, vaccine cũng là một loại hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường. Tất yếu, những cường quốc có tiềm lực mạnh về kinh tế sẽ chiếm ưu thế trong “cuộc chiến” về vaccine.
Cứ cho rằng, công dân của các nước giầu sẽ được tiêm đủ vaccine và được tạm an toàn về sức khỏe và tính mạng trong đường biên giới của quốc gia đó. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập toàn cầu, nói bệnh dịch được ngăn cản bởi đường ranh giới giữa các quốc gia là rất mong manh. Một nhu cầu tất yếu là giữa các nước cần có sự chia sẻ, hỗ trợ, thậm chí là lợi dụng và phu thuộc lẫn nhau để cùng phát triển. Việc các nước giàu, các địa phương giàu, thậm chí người giàu tìm cách sở hữu vaccine nhiều hơn cũng không giúp họ thật sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh tấn công toàn cầu.
Phong toả các khu vực hay kiểm soát chặt chẽ biên giới quốc gia chỉ là các giải pháp trong ngắn hạn, không bền vững và gây nhiều tổn thất. Không khác nào gia đình đóng cửa không có sự kết nối với bên ngoài quá lâu không thiệt hại vì đói, thì cũng chết vì ngộp thở.
Cứ như vậy, sự độc chiếm, ganh đua về vaccine dù đạt được kết quả ra sao cũng sẽ không giúp chiến thắng được đại dịch.
Một điều thật đáng lưu tâm khác đó là, vaccine hiện đang là niềm hy vọng lớn nhất để đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng còn quá sớm để khẳng định vaccine sẽ kết thúc đại dịch.
Ngay nhiều tổ chức Y tế trên thế giới cũng như Bộ Y tế Việt Nam cũng khẳng định, bất cứ vaccine nào cũng không thể đảm bảo an toàn 100%, nhất là vaccine phòng COVID-19 mới được nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn.
Lãnh đạo ngành Y tế cũng đã nêu rõ, việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm chúng ta đang tuân theo các thông báo Tổ chức Y tế thế giới hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền. Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vaccine phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Việc làm quan trọng nhất đến nay vẫn được cơ quan chuyên môn khuyến cáo là tất cả chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K.
Để đáp ứng nhu cầu 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, cùng với việc chuẩn bị tiếp nhận một phần vaccine ngừa COVID-19 do COVAX cung ứng, Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán để mua thêm vaccine và song song với đó là thúc đẩy thành công quá trình thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.
Tuy nhiên, trong lúc này, việc phân phối những liều vaccine đầu tiên một cách công bằng và hợp lý giữa các khu vực, địa phương và các nhóm đối tượng là điều tối quan trọng. Đảm bảo quyền được tiêm vaccine công bằng cho tất cả mọi người là tiền đề quan trọng giúp người dân và toàn hệ thống thêm niềm tin, sự bền bỉ và ý chí kiên định về một ngày mai chiến thắng đại dịch.