Vì sao lại “giam” sổ đỏ của dân?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Bà Trương Thị Túy, SN 1959, thường trú tại làng Cằng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết: Gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ năm 2009, nhưng cho đến nay vẫn bị xã Chi Lăng “giam” vì một lý do không liên quan gì đến việc cấp sổ đỏ.

Bà Túy cùng chồng là ông Nguyễn Đình Long, SN 1944, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội lên Chi Lăng, Lạng Sơn khai hoang từ năm 1987 theo tiếng gọi của Đảng. Đến năm 2008, gia đình bà Túy đã khai hoang được 826m2 đất đồi và sinh sống ổn định. Năm 2009, ông Long là hội viên Hội Cựu chiến binh, được Hội giúp đỡ, ủng hộ 10 triệu đồng để làm nhà ở. Ngôi nhà khang trang dựng lên diện tích đất khai hoang, nhưng do di chứng chiến tranh, ông Long chết năm 2009.

Về nguồn gốc đất của gia đình ông Long, bà Túy được xác định rất rõ trong tờ khai nhà đất ngày 12-7-1993, với diện tích khi đó là 500m2, các cơ quan chức năng và UBND xã Chi Lăng ký tên, đóng dấu đỏ, sau đó gia đình bà Túy tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích, điều này phù hợp với thực tế ở địa phương miền núi.

Theo 2 giấy xác nhận quyền sử dụng đất lập ngày 18-9-2007 và 18-9-2008, diện tích gia đình bà Túy là 826m2, được cơ quan địa chính và Chủ tịch UBND xã Chi Lăng ký xác nhận hợp pháp. Đến năm 2009, cơ quan địa chính và Chủ tịch UBND xã Chi Lăng - ông Hoàng Văn Khai ký xác nhận, sau khi đã lập biên bản, xác định ranh giới, mốc giới và đo đạc thực tế, bảo đảm nguyên tắc và thủ tục pháp lý, không có sự tranh chấp với những gia đình có đất liền kề. Từ năm 2007-2009, tất cả các hộ dân ở làng Cẳng, xã Chi Lăng đã được UBND huyện Chi Lăng cấp sổ đỏ. Chỉ riêng gia đình bà Túy cho đến nay vẫn chưa nhận được sổ đỏ. Bà Túy cho biết: “Tôi đã hai lần lên huyện hỏi, cán bộ huyện bảo sổ đỏ giao về xã rồi, lên xã mà nhận. Lên xã hỏi, xã bảo bà về thương lượng với bà Đăng xong thì trả sổ đỏ”.

Trả lời câu hỏi, bà Đăng là ai? Vì sao bà Túy phải thương lượng? Bà Túy cho biết, bà Đăng là mẹ đẻ của Chủ tịch xã Hoàng Văn Khai. Bà Đăng lên xã nói miệng là năm 1987, gia đình bà Túy ở nhờ trên một thửa đất nhà bà Đăng. Bà Túy cho biết thêm, bà không hề ở nhờ, thời điểm đó, đất trống, đồi trọc còn bỏ hoang rất nhiều, làm gì có ai phải ở nhờ?

Theo quy định của pháp luật, UBND xã Chi Lăng không có quyền giữ sổ đỏ của gia đình bà Túy. Trong trường hợp bà Túy có ở nhờ bà Đăng trên thửa đất từ năm 1987, đây sẽ là quan hệ pháp luật khác, không liên quan gì đến sổ đỏ đã được cấp cho gia đình bà Túy.

Chí Kiên

congly.com.vn