Sinh viên, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội đội mưa giải cứu hơn 10 tấn nông sản cho Hải Dương
Giáo dục - Ngày đăng : 14:40, 25/02/2021
Theo đó, toàn bộ mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thu mua sẽ được phát miễn phí cho cán bộ viên chức, nhà giáo, người lao động trong toàn Trường.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, 1.800 suất rau được vận chuyển có giấy phép, hợp đồng thu mua. Đặc biệt, số rau này đã phun khử khuẩn phòng chống dịch.
Được biết, tổng số tiền mua nông sản được trích từ nguồn kinh phí chung của nhà trường. Sau khi đưa về, các tình nguyện viên chia thành 1.800 suất và chuyển tới cán bộ, giảng viên vào sáng này (25/2).
Để có thể hoàn thành mọi công đoạn chia, cũng như vận chuyển đến địa điểm tập kết, ngay khi xe rau từ Hải Dương đến nơi, nhà trường kêu gọi sự giúp đỡ, huy động tình nguyện viên hỗ trợ chương trình.
Theo như chia sẻ của chàng sinh viên năm cuối - Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đỗ Minh Hiếu chia sẻ: “Khi em biết được thông tin, em đã đăng ký tham gia tình nguyện. Sáng nay em đã dậy rất sớm đi từ Cầu Giấy lên Trường. 5h45’ em cùng thầy cô và các bạn xếp dỡ rau củ, chia thành túi để gửi tới mọi người”.
Hiếu cũng cho biết thêm, nhiều bạn bè em khi biết tin cũng đã nhiệt tình hưởng ứng, nhiều bạn đăng tuy nhiên số lượng tình nguyên viên đã đủ nên không thể tham gia có phần hơi tiếc.
"Em rất xúc động khi được góp một phần vào việc làm vô cùng ý nghĩa, chia sẻ gánh nặng cho người nông dân Hải Dương", Hiếu nói thêm.
Còn theo chị Nguyễn Thị Kim Dung – cán bộ Văn phòng Đoàn Trường, tình nguyện viên của chương trình lại xúc động kể về những nhân vật đặc biệt sáng nay: Nhiều người đến từ sớm, họ không đăng ký nhưng là những tình nguyện viên vô cùng nhiệt tình, góp sức xếp dỡ rau củ. Nhà trường vừa góp phần giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương, vừa truyền lửa cho cán bộ, giáo viên, người lao động tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau.
Sáng nay dù trời mưa nhỏ nhưng các thầy cô giáo, cán bộ, người lao động nhà trường đến hai điểm phát nông sản là Thư viện Tạ Quang Bửu và cổng Parabol từ rất sớm, phấn khởi góp phần giúp đỡ nông dân vùng dịch.
Cô Ngô Diễm Thanh – Viện Toán và Ứng dụng Tin học – bày tỏ: Đây là sự sẻ chia thiết thực, kịp thời của nhà trường dành cho người dân Hải Dương, và cũng là tình cảm của nhà trường dành cho chúng tôi nữa. Rất ý nghĩa!
Chị Đỗ Thanh Hằng – Ban Quản lý Dự án SAHEP lại đề cập đến tinh thần phòng chống dịch bệnh, chị nói: Đây là hành động có sức ảnh hưởng đến cán bộ, giảng viên trong trường. Chúng tôi nhận thức được mối nguy hại do dịch bệnh gây ra, đồng thời ý thức cao hơn về việc phòng, chống dịch Covid-19.