Bài 2: Sẽ thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012
Từ ngày 23-5 đến ngày 18-6-2011, Đoàn thanh tra Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra thuế tại Đại học Hùng Vương, theo đó đã thanh tra tình hình thuế được thực hiện từ năm 2007-2011. Kết quả thanh tra cho thấy có nhiều sai phạm đã được Cục Thuế TP.HCM chỉ ra như: “Việc mở, ghi chép, hạch toán trên sổ sách và hoá đơn chứng từ chưa đúng theo quy định, đơn vị kê khai doanh thu nhưng không chịu thuế GTGT; kê khai thuế GTGT, tính thuế thu nhập cá nhân, tính thu nhập hưởng ưu đãi chưa đúng và hạch toán một số chi phí chưa đúng theo các quy định”.
Về việc kê khai thuế, nộp thuế, đơn vị vẫn còn nợ đọng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân theo tình hình nghĩa vụ nộp ngân sách đến cuối ngày 30-8-2010. Riêng quyết toán tài chính, quyết toán thuế năm học 2007-2008 đơn vị có lập nhưng không nộp cơ quan thuế, không đăng ký với cơ quan thuế”.
Qua việc thanh tra thuế 4 năm học, đoàn thanh tra đã truy thu thuế với cả 3 loại thuế, tổng số tiền lên tới hơn 3,7 tỷ đồng. Đó là chưa kể số tiền phạt do vi phạm pháp luật về thuế lên tới hơn 1,7 tỷ đồng.
Ngày 29-6-2011, Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Dương đã ký quyết định số 2826/CT - QĐ xử phạt vi phạm pháp luật về thuế... Trước đó, theo biên bản kiểm tra của đoàn thanh tra, cho thấy rất nhiều sai phạm của trường Đại học Hùng Vương, dưới sự điều hành của ông Lê Văn Lý, đáng kể là việc chi thưởng, bồi dưỡng sai nguyên tắc, chi tiêu không có hoá đơn chứng từ theo quy định lên tới 20 tỷ đồng chỉ trong 3 năm. Vậy số tiền này đi đâu? Nếu không bị chi sai gây thất thoát thì giảng viên và sinh viên Đại học Hùng Vương đã có thêm cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Do vậy đề nghị cơ quan chức năng cần phải làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Đoàn thanh tra cũng lưu ý: “Những sai phạm trên mới là phát hiện theo số liệu do đơn vị cung cấp, nếu sau này phát hiện thêm những số liệu khác, đơn vị phải chịu trách nhiệm”.
Trong quá trình làm việc với cơ quan thuế và bị cảnh báo về những sai phạm, Hiệu trưởng Lê Văn Lý và Kế toán trưởng đã không báo cáo HĐQT mà thực hiện lệnh chi số tiền hơn 2,1 tỷ đồng vào ngân sách trong tháng 6-2011, chưa rõ nguồn xác định. Điều này hoàn toàn trái với quy định, Hiệu trưởng chỉ được ký các khoản chi dưới 100 triệu đồng. Về nguyên tắc, Hiệu trưởng phải báo cáo HĐQT và được duyệt khoản kinh phí chuyển trả thuế để khắc phục hậu quả thì mới được thực hiện lệnh chi.
Cũng theo quy định của pháp luật thì hiệu trưởng nếu điều hành hoạt động trái với quy định gây thiệt hại cho đơn vị thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại cho đơn vị.
Về khoản tiền 2,18 tỷ đồng, theo kết luận của Cục thuế thì Trường đã nộp để khắc phục hậu quả. Theo một số chuyên gia tài chính, việc này cũng chứa đựng nhiều khuất tất. Bởi lẽ, trong kết luận này vẫn chưa nêu rõ số tiền trên được khắc phục vào thời điểm nào, theo nguồn tiền nào. Việc này, theo các thành viên HĐQT Đại học Hùng Vương, họ hoàn toàn không hay biết nên chắc chắn là khuất tất, trái pháp luật.
Theo một chuyên gia tài chính khác, tổng cộng các khoản chi không có chứng từ hoá đơn theo quy định hơn 15,7 tỷ đồng, cho thấy lợi nhuận trước thuế từ ngày 1-9-2007 đến ngày 31-8-2010 tăng 15,7 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo của trường lập là hơn 10,2 tỷ đồng; nếu loại các chi phí thì lợi nhuận trước thuế phải là hơn 26 tỷ đồng. Điều đó cho thấy báo cáo của nhà trường không chuẩn xác, thiếu trung thực.
Từ đó cho thấy, các năm trước năm 2007, Trường cũng không hề thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, vì vậy sẽ còn nhiều sai phạm khác cần được thanh tra, làm rõ.
Ban kiểm soát của Cục Thuế đã thông báo với HĐQT là chỉ xét chọn mẫu để kiểm tra theo đúng quy định thì đã có đến 65% chứng từ kế toán không hợp pháp. Đơn cử, với 2 hợp đồng thuê nhà ở 342 Bis Nguyễn Trọng Tuyển ngày 31-7-2008 và ngày 8-6-2009, Hiệu trưởng và Kế toán trưởng tự quyết chuyển trả dư mấy trăm triệu đồng. Ngay trong thời kỳ còn là trường dân lập (2005 - 2010), mà sai phạm về chứng từ không hợp lệ lên đến vài chục tỷ đồng và nguy cơ nộp thuế thu nhập bổ sung nhiều tỷ đồng, nhưng thực chất trong 5 năm chỉ tích lũy mỗi năm 1 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều trường đại học khác vừa phải trả cổ tức cho cổ đông, vừa phải tích lũy xây dựng trường mà lương cán bộ, giảng viên còn cao gấp rưỡi trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, khiến dư luận rất bất bình.
“Theo quy chế thì Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về tài chính và phải thường xuyên báo cáo HĐQT nhưng ông Lý đã “phớt lờ” việc báo cáo, chi tiêu không theo quy định, không có chứng từ vẫn dễ dãi thanh toán. Việc này rất cần cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ” – Trong đơn gửi UBND TP HCM, HĐQT trường Đại học Hùng Vương nêu rõ như vậy.
Cũng theo HĐQT nhà trường, từ khi trường Đại học Hùng Vương chuyển qua tư thục, gần 1 năm rưỡi, Hiệu trưởng Lê Văn Lý chưa bao giờ báo cáo tài chính cho HĐQT. Việc này hoàn toàn trái với Quy chế trường Đại học ban hành kèm theo quyết định 61/2009/QĐ - TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-4-2009, quy định hiệu trưởng phải báo cáo tài chính định kì cho HĐQT.
Được biết, trước những lình xình xung quanh vụ việc ở Đại học Hùng Vương, sau khi nhận được báo cáo của HĐQT nhà trường và báo cáo của Cục thuế TP.HCM, mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chủ trương phải thanh tra toàn diện, làm rõ những sai phạm, khuất tất tiềm ẩn tại nhà trường. Dư luận hi vọng rằng, những sai phạm về tài chính cũng như việc tuỳ tiện chiếm giữ con dấu của ông Lê Văn Lý và các cán bộ liên quan sớm được làm rõ, xử lý nghiêm minh, giúp nhà trường sớm đi vào ổn định trước thềm năm học mới.
Đ� I BÀNG – CÔNG MINH