Hỗ trợ 100 triệu để không khiếu kiện
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012
Sau cái chết, người nhà của người quá cố tỏ ra rất bức xúc. còn BVĐK Thanh Hoá thì “hỗ trợ” 100 triệu đồng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi trái chiều?
Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y tế trả lời PV
Cái chết đột ngột
Theo ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thanh Hoá): Sự việc xảy ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 13-7-2011, tại BVĐK Thanh Hóa, khi điều dưỡng Nguyễn Thị Thoa tiêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân thì sau khoảng 3 phút, người bệnh thấy khó thở rồi tử vong. Người xấu số là ông Lê Văn Thực (SN 1960, trú tại Đại Khối, xã Đông Cương, Tp. Thanh Hoá, giáo viên Trường tiểu học xã Quảng Phúc (Quảng Xương). Bệnh nhân được nhập viện ngày 12-7 để chữa trị bệnh trĩ.
Sau khi khám và chiếu chụp ban đầu, sáng 13-7, ông Thực được mổ. Ca mổ được tiến hành thành công, bệnh nhân chuyển về phòng ngoại trĩ để theo dõi, điều trị. Đến khoảng 9 giờ 30 phút thì điều dưỡng viên của BVĐK Thanh Hóa đến thử test và cho kết quả âm tính nên tiến hành tiêm thuốc kháng sinh cho ông Thực. Sau khi tiêm thuốc được khoảng 3 phút thì ông Thực kêu khó thở rồi lịm đi. Người nhà vội vã gọi bác sĩ đến nhưng khoảng 30 phút cấp cứu bất thành, ông Thực đã tử vong.
Ông Uyển cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin ông đã có mặt ngay tại BVĐK Thanh Hóa. Nếu y, bác sĩ trong quá trình thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân có sai sót, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm túc. Lý giải nguyên nhân cái chết của người xấu số, theo ông Uyển, biểu hiện lâm sàng là do “sốc phản vệ”. Song để có câu trả lời thích đáng nhất, phải đợi cơ quan pháp y tỉnh Thanh Hóa mổ tử thi.
Hỗ trợ có điều kiện
Sau khi người nhà qua đời, gia đình nạn nhân bức xúc cho rằng nguyên nhân tử vong là do phía y, bác sĩ của bệnh viện. Bởi sau khi mổ, ông Thực vẫn tỏ ra rất tỉnh táo, không có biểu hiện gì khác thường. Vậy mà chỉ sau một mũi tiêm, bệnh nhân không kịp trăng trối đã về nơi chín suối!
Ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra, lãnh đạo BVĐK Thanh Hóa đã làm việc với gia đình nạn nhân. Biên bản làm việc được lập vào hồi 17 giờ, ngày 13-7 có nội dung: “Gia đình bệnh nhân đồng ý nhận khoản tiền hỗ trợ là 100 triệu đồng để lo ma chay và giải quyết hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Gia đình bệnh nhân Lê Văn Thực gồm những người đại diện hợp pháp trên thống nhất không thắc mắc và kiện tụng ra cơ quan pháp luật” (biên bản do ông Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện viết).
Xung quanh vụ việc này, ông Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc BVĐK Thanh Hoá cho hay: Bệnh nhân Thực đã có tiền sử nằm viện tại khoa tim mạch vì tăng huyết áp mức độ 3. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục, bệnh nhân được mổ trĩ, kết quả thuận lợi và đang trong quá trình theo dõi.
Qua hồ sơ thì bác sĩ Trần Văn Huân (người tiến hành mổ) và điều dưỡng viên đều làm đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Các loại thuốc và kháng sinh cũng có trong danh mục của bệnh viện. Chính vì thế, chúng tôi khẳng định quy trình chuyên môn đảm bảo đúng quy định, tinh thần phục vụ tốt, không có tiêu cực.
Nguyên nhân cái chết của bệnh nhân thì theo đánh giá ban đầu là do “sốc phản vệ”! Đây là rủi ro bất khả kháng, phía gia đình có đơn đề xuất khó khăn nên Bệnh viện hỗ trợ cho gia đình. Từ trước tới nay chưa hề có tiền lệ “hỗ trợ” như thế này từ phía BVĐK. Khi sự việc xảy ra, gia đình đã mời các cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả thế nào phải đợi mới có kết luận cụ thể”.
Liệu đây có phải là cách giải quyết mà người ta hay nói: “đồng tiền đi trước”? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này.
Thanh Phương