Tin vắn thế giới ngày 24/2: Biến thể SARS-CoV-2 ở California có khả năng lây nhiễm nhanh hơn

Chuyển động - Ngày đăng : 07:35, 24/02/2021

Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ tại Liên hợp quốc; Biến thể SARS-CoV-2 ở California (Mỹ) có khả năng lây nhiễm nhanh hơn; Philippines thực hiện chương trình trao đổi y tá để lấy vaccine của Anh và Đức… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ tại Liên hợp quốc

Ngày 23/2 (rạng sáng 24/2 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ nước này tại Liên hợp quốc. Tại cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, quyết định của Tổng thống Joe Biden đề cử bà Linda Thomas-Greenfield đã nhận được 78 phiếu ủng hộ, 20 phiếu phản đối.

linda-thomas-greenfield.jpg
Tân Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Politico

IAEA quan ngại về cơ sở hạt nhân bí mật của Iran

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 23/2 bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng tồn tại vật chất hạt nhân tại một cơ sở mà Iran chưa khai báo ở nước này.

IAEA cho hay, sau 18 tháng, Iran vẫn chưa đưa ra lời giải thích cần thiết, đầy đủ và đáng tin cậy về mặt kỹ thuật đối với sự tồn tại của các vật chất hạt nhân. Địa điểm nghi có cơ sở nêu trên thuộc quận Turquzabad ở Tehran, nơi Israel từng coi là cơ sở hoạt động nguyên tử bí mật của Iran.

Iran áp đặt hạn chế đối với thanh sát viên của LHQ

Truyền hình nhà nước Iran ngày 23/2 đưa tin nước này chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của nước này, được cho là nhằm gây áp lực để với các nước châu Âu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và khôi phục thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015.

Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên đối thoại hạt nhân tại hội nghị giải trừ quân bị của LHQ

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Choi Jong-kun ngày 23/2 đã hối thúc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là con đường tất yếu phải đi.

Ông Choi Jong-kun đưa ra lời kêu gọi trên trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị LHQ về giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sĩ) khi ông trình bày nỗ lực hiện nay của Seoul nhằm cùng với Bình Nhưỡng hướng tới mục tiêu xây dựng một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân và một nền hòa bình lâu dài trong khu vực.

WFP cảnh báo có thể ngừng hoạt động ở Triều Tiên

Việc Triều Tiên áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch COVID-19 có thể khiến Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) ngừng hoạt động ở nước này.

Theo thông tin đăng tải trên website của WFP, cho đến nay, tổ chức này vẫn là nguồn viện trợ quốc tế lớn nhất tại Triều Tiên, cung cấp thực phẩm chuyên biệt cho khoảng 1 triệu phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ và trẻ em mỗi tháng. Lâu nay, các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên đã cản trở công tác cứu trợ của WFP, nhưng việc quốc gia Đông Bắc Á áp dụng các biện pháp hạn chế phòng, chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đang gây ra vấn đề mới cho hoạt động của tổ chức này.

Biến thể SARS-CoV-2 ở California (Mỹ) có khả năng lây nhiễm nhanh hơn

Hai nghiên cứu mới của Mỹ công bố ngày 23/2 cho thấy biến chủng SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở bang California hồi tháng 12/2020 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn những biến thể ghi nhận trước đó, làm gia tăng quan ngại rằng những biến thể mới có thể khiến số ca mắc vốn đang có chiều hướng giảm lại tăng lên ở Mỹ.

covid-19-bien-the.jpg
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ.

EC cảnh báo 6 nước đơn phương áp đặt hạn chế biên giới

Ngày 23/2, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này đã chính thức cảnh báo 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà các nước này đơn phương áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan có thể có thể phá vỡ hoạt động di chuyển tự do trong khối.

OECD: Năm 2020, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 23/2 cho thấy, trong năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong số 15 nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

EU đánh giá việc mở rộng sử dụng thuốc Remdesivir kháng virus

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 23/2 thông báo đang đánh giá việc sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không cần hỗ trợ thở oxy, sau khi nhà phát triển loại thuốc này, hãng Gilead Sciences nộp đơn xin mở rộng sử dụng loại thuốc trên.

Philippines thực hiện chương trình trao đổi y tá để lấy vaccine của Anh và Đức

Ngày 23/2, một quan chức cấp cao Philippines cho biết nước này sẽ cho phép hàng nghìn nhân viên y tế, chủ yếu là các y tá, sang Anh và Đức làm việc nếu hai nước châu Âu nhất trí quyên góp vaccine ngừa COVID-19 cho nước này.

Chuyên gia Hàn Quốc nhận định vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hiệu quả 95%

Một ủy ban chuyên gia của Hàn Quốc ngày 23/2 cho biết vaccine của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất có hiệu quả hơn 95% trong việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và việc sử dụng vaccine này cho người trẻ tuổi không tạo ra vấn đề nào.

Afghanistan triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19

Ngày 23/2, Afghanistan chính thức triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho hàng trăm nghìn người trong bối cảnh tình hình an ninh vẫn còn nhiều bất ổn.

Thái Lan cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac

Ngày 23/2, Thái Lan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), một ngày trước khi nhận lô đầu tiên gồm 200.000 liều vaccine này vào ngày 24/2.

sinovac.jpg
Thái Lan cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac

Ukraine nhận lô vaccine đầu tiên sau nhiều lần trì hoãn

Ngày 23/2, Ukraine đã nhận được lô vaccine COVID-19 đầu tiên sau vài lần bị trì hoãn. Lô đầu tiên bao gồm 500.000 liều vaccine của AstraZeneca do viện Serum Ấn Độ (SII) sản xuất. Người phát ngôn Bộ Y tế Ukraine xác nhận lô vaccine này đã đến sân bay Boryspil ở Kiev.

Tổng thống Indonesia kêu gọi hợp tác để ngăn chặn đại dịch

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về ngăn chặn đại dịch COVID-19 được tổ chức trực tuyến ngày 23/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước trên thế giới cùng hợp tác để ngăn chặn đại dịch. Ông Joko Widodo nêu rõ tất cả các quốc gia phải tăng cường hợp tác trong nước cũng như với các nước trên thế giới vì "không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".

Thủ đô Campuchia phong tỏa 47 địa điểm

Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến chiều 23/2, 47 địa điểm liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 20/2” đã tạm thời bị phong tỏa. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân và đặc biệt là những người đang sinh sống tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh giáp ranh Kandal nâng cao cảnh giác, quản lý tốt gia đình và hợp tác thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng.

Thái Lan cấp phép vaccine Trung Quốc, tính bỏ cách ly với du khách đã tiêm phòng

Ngày 23/2, Thái Lan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), một ngày trước khi nhận lô đầu tiên gồm 200.000 liều vaccine này vào ngày 24/2.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Thái Lan có thể dỡ bỏ quy định cách ly với du khách nước ngoài đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Quyết định này nhằm giúp đất nước hồi phục ngành công nghiệp du lịch, bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch.

WB cảnh báo ngừng tài trợ vaccine cho Liban sau thông tin về vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho Liban sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện ngày 23/2.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh người dân và các bác sĩ ngày càng thất vọng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm chạp và có thể có những vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng.

Bồ Đào Nha đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine vào mùa hè tới

Trong cuộc họp báo ngày 22/2, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido đã công bố mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Hè năm nay.

Mỹ thúc đẩy giải quyết xung đột tại Yemen

Ngày 22/2, Đặc phái viên Mỹ về Yemen Timothy Lenderking đã trở lại vùng Vịnh trong bối cảnh lực lượng Houthi đẩy mạnh tấn công nhằm chiếm thành phố Marib, thành trì cuối cùng của Chính phủ Yemen ở miền Bắc nước này.

Tòa án tối cao Nepal ra lệnh khôi phục Quốc hội

Ngày 23/2, Tòa án tối cao Nepal đã đảo ngược quyết định của Thủ tướng K.P. Sharma Oli về việc giải tán Quốc hội, cho rằng động thái đó là vi hiến.

Ông Bhadrakali Pokhare - một quan chức tòa án Nepal cho biết: “Đề xuất giải tán Hạ viện và thông báo giải tán Quốc hội đã bị các thẩm phán bác bỏ”.

Guinea khởi động chiến dịch tiêm phòng Ebola

Ngày 23/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Guinea đã phát động chiến dịch tiêm phòng Ebola, sau khi đợt bùng phát dịch mới tại nước này trong tháng 2.

Lực lượng y tế đã bắt đầu tiêm chủng Ebola ở Gouecke, sau khi hơn 11.000 liều vaccine được chuyển đến Guinea trước đó 1 ngày. WHO có kế hoạch gửi thêm khoảng 8.000 liều vaccine Ebola đến Guinea. Bộ trưởng Y tế Guinea Remy Lamah và ông Georges Ki-Zerbo, đại diện WHO tại Guinea, cũng đã có mặt tại thị trấn để theo dõi hoạt động tiêm chủng.

Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói gia tăng nhanh chóng ở Trung Mỹ

Liên hợp quốc ngày 23/2 đã cảnh báo về mức độ thiếu đói đang gia tăng nhanh chóng đối với phần lớn các nước thuộc khu vực Trung Mỹ, trong bối cảnh các nước này phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt gây ra.

Hàng nghìn người Ethiopia chạy trốn sang Sudan do xung đột

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 23/2 cho biết hàng nghìn người Ethiopia đã chạy trốn khỏi nạn bạo lực leo thang ở khu vực Benishangul-Gumuz của nước này trong tháng qua để tìm kiếm sự an toàn ở bang Blue Nile của Sudan.

Hiện UNHCR đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đối tác của Sudan để đánh giá tình hình, cũng như đáp ứng nhu cầu nhân đạo của những người tị nạn mới đến, đặc biệt là các nhóm ở “những địa điểm khó tiếp cận dọc biên giới”.

Malaysia trục xuất trên 1.000 người Myanmar

Theo hãng tin AFP, ngày 23/2, Cục quản lý xuất nhập cảnh Malaysia đã trục xuất 1.086 công dân Myanmar, cho dù trước vài giờ một tòa án của nước này đã ra lệnh đình chỉ tạm thời động thái trên.

Trung Quốc giành lại vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2020

Trung Quốc đã giành lại vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2020, trong bối cảnh Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào các loại máy móc nhập khẩu bất chấp các nỗ lực hạn chế thương mại với Trung Quốc sau cuộc xung đột biên giới đẫm máu ở biên giới hồi giữa năm ngoái.

Đắm thuyền đánh cá chở quá tải ở Ai Cập khiến nhiều người thiệt mạng

Truyền thông Ai Cập ngày 23/2 đưa tin một vụ đắm thuyền đánh cá đã xảy ra ở gần thành phố Alexandria làm ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.

Twitter gỡ bỏ 373 tài khoản liên quan tới Nga, Iran và Armenia

Ngày 23/2, Twitter thông báo đã gỡ bỏ 373 tài khoản mà mạng xã hội này cho rằng có liên quan tới Nga, Iran, Armenia và vi phạm các chính sách hoạt động của Twitter.

Cụ thể, trong một thông cáo, Twitter nêu rõ công ty này đã gỡ bỏ 238 tài khoản đang hoạt động tại Iran vì hàng loạt vi phạm chính sách. Bên cạnh đó, 100 tài khoản có liên quan tới Nga cũng bị chặn bởi thổi phồng những câu chuyện làm xói mòn niềm tin đối với NATO và nhằm vào Mỹ cũng như Liên mình châu Âu. Ngoài ra, 35 tài khoản khác bị gỡ bỏ vì dính líu tới Armenia với cáo buộc các tài khoản đó được tạo ra nhằm vào Azerbaijan.

Bạch Dương