Chạy tim phổi nhân tạo xuyên Tết giành giật sự sống cho bé 1 tuổi uống nhầm dầu thắp đèn

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:06, 23/02/2021

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa cứu sống ngoạn mục một bệnh nhi 15 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong cao do uống nhầm dầu lửa dùng để thắp đèn.

Bệnh nhi là bé gái 15 tháng tuổi (ở Đắk Lắk), được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 7/2 (tức 26 Tết).

Trước đó, bé uống nhầm chai dầu để ở bàn thờ, người mẹ vội móc họng cho ói, sau đó bé đừ, mệt thêm nên được đưa đến bệnh viện.
Bé gái nhập viện trong tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp. Ngay lập tức, bé được thở oxy, chụp X-quang phổi, kết quả ghi nhận tình trạng viêm phổi hít.

cuusong.jpg
Bé gái được cứu sống sau khi uống nhầm dầu lửa thắp đèn

PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau vài giờ, bé suy hô hấp nặng dần và được thở áp lực dương nhưng tình trạng không cải thiện. Tổn thương phổi lan tỏa 2 bên nên bé được đặt nội khí quản thở máy sau 24 giờ nhập viện.

Dù được thở máy với thông số hỗ trợ tối ưu kết hợp với nằm sấp nhưng tình trạng suy hô hấp của bé nghiêm trọng hơn, thiếu oxy máu nặng. Các bác sĩ nhận định nếu không có phương pháp điều trị nào khác, bé sẽ tử vong.

Vì vậy, các bác sĩ quyết định thực hiện ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) ngay tối 9/2 (28 Tết).

Do bé nhỏ tuổi và nhẹ cân nên việc đặt các ống thông mạch máu để chạy ECMO dự đoán sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ, kỹ thuật ECMO đã được thực hiện thành công chỉ sau 30 phút.

Như một phép màu, bệnh nhi đang tím tái, đe dọa tính mạng bỗng chợt hồng hào trở lại với các thông số sinh hiệu bắt đầu cải thiện tốt. Sau đó đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi bệnh nhi liên tục trong suốt những ngày tết.

Sau 9 ngày chạy ECMO, chức năng phổi của bệnh nhi đã được cải thiện tốt, bé được cai ECMO thành công vào ngày 18/2 (mùng 7 Tết) và cai máy thở vào 19/2 (mùng 8 Tết).

Hiện tại bé tỉnh táo, đang được thở oxy, uống sữa được. Nếu diễn tiến thuận lợi, bé có thể được xuất viện trong ít ngày tới.

Các bác sĩ lưu ý, viêm phổi hít dầu lửa là một tai nạn khá thường gặp trong gia đình do thói quen thắp đèn dầu ở các bàn thờ và đựng dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước như chai nước suối, ly, cốc…  trẻ dễ uống nhầm.

Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, không nên đựng dầu lửa, dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước mà nên cất giữ trong các chai có nắp đậy chặt, để ở trong tủ có khóa an toàn.

Theo BS Bạch Văn Cam - Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Việt Nam, cố vấn khối Hồi sức - cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, dầu này chính là parafin, chính là thứ được dùng làm sáp nến. Dầu không màu nhưng có khi được cho thêm màu vàng, đỏ, khiến trẻ có thể lầm là nước ngọt. Dầu khi thắp không có mùi hôi, không khó nên ngày càng được ưa chuộng, song song đó là các ca ngộ độc dầu loại này ngày càng phổ biến trên thế giới.

Vấn đề chính đe dọa tính mạng bệnh nhân chính là tình trạng viêm phổi hít, là do hít phải chất bay hơi từ chất lỏng đó.

Ngộ độc parafin sẽ nặng thêm khi sơ cứu sai. Gây nôn chỉ làm bé hít phải nhiều chất bay hơi hơn, tình trạng viêm phổi càng nặng. Chỉ nên đặt bé nằm ở nơi thoáng, sau đó đưa bé nhập viện, cho dù bé chưa có triệu chứng hô hấp vì có khi triệu chứng chỉ xuất hiện sau 5-6 giờ.

Các bệnh viện khi sơ cứu cho trẻ ngộ độc chất bay hơi cũng phải lưu ý không được rửa dạ dày vì các thao tác cũng gây nôn cho bệnh nhân, khiến viêm phổi nặng hơn. Chất này hấp thu qua đường tiêu hóa rất ít.

Chí Tâm