Nông sản Hải Dương đang rất cần "giải cứu"
Đời sống - Ngày đăng : 20:18, 20/02/2021
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm hecta nông sản (su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, súp lơ…) tại Hải Dương đến kỳ thu hoạch tại nhiều huyện, thị của Hải Dương vẫn đang nằm im, không người hỏi tới.
Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương, năm nay, tổng diện tích đất sản xuất vụ đông trên toàn tỉnh Hải Dương đạt khoảng 22.000ha. Vì thế, sản lượng nông sản tương đối lớn, tính đến nay đã tiêu thụ khá với giá tốt. Tuy nhiên, đến cuối vụ, một số gia đình trồng vụ 2, vụ 3 cùng thời điểm lấy nước đổ ải cho vụ cấy (Đông Xuân), nên bà con phải thu hoạch nhanh để dọn ruộng cấy. Thêm nữa, đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương nên việc vận chuyển nông sản hạn chế nên giá thành giảm nhiều.
Cũng theo ông Quân, ước tính đến nay, diện tích trồng nông sản chỉ còn khoảng hơn 200ha su hào, cà rốt còn hơn 400ha, sản lượng thu được khoảng vài chục nghìn tấn (tiêu thụ trong nước) bị tồn đọng, khó di chuyển nên giá giảm sâu. Tuy nhiên, diện tích này chỉ chiếm một phần nhỏ, không thể nói tổng thể nông nghiệp trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng.
Về giải pháp giúp tiêu thụ nông sản cho người dân, ông Quân cho hay: “Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, các Sở, ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp tích cực thu mua nông sản cho người dân. Khó khăn nhất là đường vận chuyển sang Hải Phòng (để xuất khẩu), việc xét nghiệm cho người vận chuyển mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới thời hạn hợp đồng, vận chuyển, bảo quản nông sản... Cùng với đó, việc vận chuyển bị ách tắc sẽ gây khó khăn, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo tỉnh đang tập trung tháo gỡ, đề nghị các tỉnh giáp ranh quan tâm, tạo điều kiện cho nông sản được tiêu thụ, vận chuyển qua địa bàn, đặc biệt là việc xuất khẩu ra nước ngoài”.
Để nắm bắt thông tin thực tế về vướng mắc trong khâu tiêu thụ nông sản của người dân tại Hải Dương đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20/2, PV Báo Công lý đã có ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hải Dương.
Theo ghi nhận của PV tại huyện Gia Lộc, các xã như Đoàn Thượng, Toàn Thắng là những xã điển hình trong công tác sản xuất rau màu trọng điểm của huyện này, với diện tích hàng năm vô cùng lớn.
Tại các cánh đồng trồng rau màu ở đây, bát ngát là su hào, bắp cải, súp lơ đến kì thu hoạch vụ Đông Xuân.
Trên ruộng su hào rộng 5 mẫu, ông Vũ Văn Hậu (51 tuổi, trú tại thôn Nghè, xã Đoàn Thượng ) buồn rầu chia sẻ: “Gia đình nhà tôi năm nay trồng 5 mẫu su hào, tương ứng với hơn 3 vạn củ, thời tiết thuận lợi nên cây phát triển tốt và đẹp mã. Tuy nhiên, đúng khi đến thời điểm được thu hoạch thì dịch bệnh Covid-19 ập tới, gia đình chưa bán được cây nào cả”.
“Mặc dù thương lái không thể đến thu mua như mọi năm, gia đình tôi phải chặt bỏ vứt đi để cho kịp thời vụ khi mùa vụ đến, như vậy tiền giống vốn và công sức bỏ ra gần 40 triệu của gia đình tôi như mất trắng”, ông Hậu ngậm ngùi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng cho biết: “Địa phương cũng đã thống kê được sản lượng nông sản trên toàn xã trong mùa vụ Đông Xuân, Toàn Thắng là xã chuyên canh về rau màu hàng năm với diện tích lớn. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đang là vấn đề nóng, cấp bách trên toàn tỉnh và cả nước, chúng tôi luôn tuân thủ việc phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất, nhưng cũng không quên việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện kêu gọi doanh nghiệp, thương lái thu mua nông sản cho người dân. Địa phương cũng đã thành lập tiểu ban giúp người dân giải cứu nông sản, mỗi ngày tiêu thụ cho bà con trên 10 tấn nông sản các loại, vừa là giúp bà con vừa ủng hộ những địa phương đang trong vùng cách ly”.
Ông Nguyễn Văn Chuyển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gia Lộc cho hay, sản lượng nông sản của huyện Gia Lộc khá nhiều, nhưng việc di chuyển qua các chốt gặp nhiều khó khăn, lượng nông sản chủ yếu là su hào, bắp cải... Hiện, toàn huyện còn khoảng 50ha rau màu đang đến kì thu hoạch, việc giải cứu do các chốt lưu thông trên địa bàn tỉnh gây khó khăn nên không thể lưu thông được. Phòng NN&PTNT cũng đã đề nghị với UBND huyện và tỉnh phải can thiệp cho các phương tiện lưu thông hàng hóa, huyện cũng đang tổng hợp lại số lượng để các cơ quan chức năng có các gói hỗ trợ giúp giải cứu nông sản.
Cũng theo tìm hiểu của PV, tại huyện Cẩm Giàng (địa phương đang có diễn biến cực kỳ phức tạp về dịch bệnh Covid- 19), diện tích rau màu vụ Đông chưa thu hoạch của huyện Cẩm Giàng hiện còn gần 300ha. Cây vụ Đông gồm cà rốt, bắp cải, cà chua, su hào, súp lơ… tập trung ở vùng đất bãi ven sông Thái Bình và một số chuyển đổi đất trồng lúa tại xác xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Cao An. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, những ngày vừa qua, thương lái của các tỉnh khác không dám đến mua nông sản.
Với hàng trăm hecta, cây cà rốt đã trở thành cây truyền thống, thế mạnh, gắn bó, làm giàu cho nông dân của huyện Cẩm Giàng suốt 40 năm qua. 80% sản lượng cà rốt ở đây được xuất khẩu sang Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Châu Âu… Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá loại nông sản này đã giảm đi một nửa so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. Đồng thời, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển.
Để góp phần giúp người dân tại Hải Dương nhanh chóng vượt qua cơn bão dịch bệnh, đảm bảo đời sống, rất mong những cánh tay nối dài của các doanh nghiệp, cá nhân chung sức, đồng lòng trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ Hải Dương giải cứu vựa nông sản của Miền Bắc, giúp đỡ cho những người dân “một nắng hai sương” lại nở nụ cười trên dải ruộng đồng!