Xiết biện pháp phòng dịch Covid-19 trước ngày “mở cửa trời”

Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 20/02/2021

Theo thông lệ hàng năm, vào ngày 10/1 (âm lịch) là ngày “mở cửa trời” tại các điểm di tích nổi tiếng linh thiêng như Cửa Đạt, Am Tiên… sẽ có nhiều người đổ về đây chiêm bái. Cơ quan chức năng Thanh Hóa phải xiết các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Năm Tân Sửu 2021, ngày “mở cửa trời” diễn ra vào cuối tuần, thời tiết rất thuận lợi. Người dân đã hoàn tất việc gieo cấy vụ mùa nên bất chấp dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, lượng người đổ về các điểm di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ ngày một đông.

a1phongdich.jpg
Các điểm sát khuẩn tại Đền Cửa Đạt

Ghi nhận của PV vào ngày 20/2, từ sáng sớm du khách thập phương hành hương về Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) để dâng hương, cầu may đầu năm mới đã khá đông. Nhà chức trách liên tục phát trên loa truyền thanh về các quy định, biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Nhiều vị trí được bố trí điểm sát khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang khi vào đền. Tất cả mọi người đều phải thực hiện nghiêm "5K" theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi lượng người về đông, lực lượng chức năng sẽ đề yêu cầu người dân xếp hàng, giữ khoảnh cách.

Đền Cửa Đạt thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Đền cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60km về hướng Tây. Lịch sử ghi lại, danh nhân Cầm Bá Thước là một tướng lĩnh lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 19. Ông có nhiều đóng góp to lớn trong việc giúp dân, giúp nước. Sau nhiều lần giặc Pháp mua chuộc không thành, năm 1895, ông đã bị địch xử tử ngay trên mảnh đất Châu Thường khi tròn 37 tuổi.

a2phongdich.jpg
Du khách phải xếp hàng, tuân thủ quy định phòng dịch

Bà Chúa Thượng Ngàn được sinh ra vào thời nhà Trần, luôn làm việc cứu khổ cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản vùng đất này. Để tưởng nhớ đến những công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, người dân địa phương lập hai ngôi đền để nhân dân thành kính dâng hương mỗi dịp lễ Tết, xuân về.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Nưa - Am Tiên (huyện Triệu Sơn) cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài việc thực hiện nghiêm "5K" theo hướng dẫn của Bộ y tế, Ban quản lý đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng như: Công an, chính quyền địa phương để đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự; phân luồng, điều tiết xe cộ, giúp du khách yên tâm dâng hương, vãn cảnh.

a3phongdich.jpg
Đền Nưa- Am Tiên tăng cường phòng dịch Covid-19

Anh Hoàng Anh Tiến, trú tại TP Thanh Hóa cho biết: “Đầu năm mới, gia đình tôi cũng di chuyển lên Đền cầu an lành, sức khỏe, may mắn. Năm nay, khi đi chiêm bái, chúng tôi tuân thủ nghiêm theo quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch. Mỗi khi có ai quên không đeo hoặc đeo khẩu trang không đúng cách sẽ được nhắc nhỡ. Một số điểm còn phát khẩu trang miễn phí cho du khách. Tôi thấy Ban Quản lý làm rất tốt các biện pháp phòng dịch”.

Tính tới ngày 20/2, số lượng khách đến Am Tiên chủ yếu là người trong tỉnh Thanh Hóa, chiếm khoảng 10% so với năm trước. Từ cổng ra vào, lực lượng chức năng đã phân luồng, đảm bảo về lưu lượng khách phù hợp. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng đi lại lộn xộn, tụ tập đông người.

a4phongdich.jpg
Lượng người đổ về Am Tiên ngày một đông trước ngày “mở cửa trời”

Cho tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao. Đặc biệt là dịp người dân từ các khu vực khác trở về nhà đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Tại các khu vực tập trung đông người, các điểm di tích phải xiết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. 


Thanh Phương