Mỹ chính thức trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Chuyển động - Ngày đăng : 06:12, 20/02/2021

Ngày 19/2, Mỹ đã chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết trong tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này.

Như vậy là sau 30 ngày kể từ khi thông báo chính thức việc Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, Washington đã thực sự trở về “con thuyền chung” với gần 200 quốc gia thành viên.

anthony-blinken.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken

Tuyên bố ngày 19/2 trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden đã ký văn bản về việc Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo các điều khoản của hiệp định này, Mỹ hiện đã chính thức trở lại”.

Động thái trên cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ dẫn dắt nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Washington sẽ đưa chủ đề biến đổi khí hậu vào các cuộc thảo luận song phương và đa phương quan trọng nhất ở tất cả các cấp.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói thêm: “Ứng phó với các nguy cơ đe dọa thực sự từ biến đổi khí hậu và lắng nghe các nhà khoa học là trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi”.

Tuyên bố cho biết, điều đó là "quan trọng" đối với các vấn đề an ninh quốc gia, di cư, sức khỏe quốc tế, cũng như ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại.

Hiệp định Paris về khí hậu là hiệp định khí hậu toàn cầu đầu tiên do hơn 190 nước ký kết vào tháng 12 /2015, dự trù kế hoạch hành động của thế giới nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hiệp định không hàm ý loại bỏ hoàn toàn các nhiên liệu khai khoáng. Tuy nhiên, tất cả các thành viên tham gia phải thực hiện biện pháp giảm phát thải thán khí, tái trang bị công nghệ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong cung cấp năng lượng.

Mỹ - quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã chính thức rút khỏi hiệp định này vào tháng 11/2020, sau khi Tổng thống khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden kế nhiệm đã từng cam kết đảo ngược quyết định này và trong ngày nhậm chức 20/1 vừa qua đã ký một văn bản xác nhận Mỹ tham gia trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden cũng cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ông cũng thông báo kế hoạch sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao về khí hậu vào ngày 22/4 tới nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết quốc gia đầy tham vọng là giảm lượng khí thải gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngay lập tức, Nhật Bản đã hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nói rằng Tokyo muốn tăng cường các nỗ lực hợp tác để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố Moscow hoan nghênh Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Sputnik cho biết.

Bạch Dương