Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 21:05, 18/02/2021
Bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19
Theo cổng thông tin Bộ Công Thương đưa tin, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929 - 1933, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2020 có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh chủ yếu bùng phát ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 về khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu qua một số cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương xây dựng quy trình quản lý thông quan đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động điện đàm với Lãnh đạo các Bộ ngành địa phương Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, bổ sung nhân lực bốc dỡ… từ đó giúp hoạt động thương mại biên giới được triển khai thuận lợi hơn; chủ trì họp với các Bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan) và địa phương để trao đổi những vấn đề phát sinh trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tháo gỡ.
Qua đó, từ chỗ hàng hóa xuất khẩu của ta bị ùn ứ với khối lượng lớn thì ngay sau đó đã cơ bản được thông suốt. Tiếp đó, khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là khu vực EU, Hoa Kỳ và cả thế giới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động có phương án vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, bảo đảm tốt nguồn cung cho sản xuất trong nước, khơi thông thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) ngay trong kỳ họp tháng 6 năm 2020 để đưa vào thực thi từ tháng 8 năm 2020.
Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, với Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực.
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…
Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây chúng ta đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong nước.
Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 6,27%.
Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản hàng hóa cho người nông dân.
Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp gần 3 lần năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần năm 2016 (1,78 tỷ USD).
Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020
Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.