Linh hoạt làm nên vị thế của Việt Nam tại ASEAN

Kinh tế - Ngày đăng : 16:53, 16/02/2021

Năm 2020, với cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt các quốc gia đương đầu với khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19. Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam thể hiện bản lĩnh vững vàng, nâng tầm vị thế trên trường quôc tế.

Hội nghị đặc biệt của ASEAN về tình hình Covid-19 do Việt Nam chủ trì

Linh hoạt “chuyển mình”

Mới đây, trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFMGM+3), các Bộ trưởng và Thống đốc nhận định: Bối cảnh thực tế là các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 nhất trí rằng hợp tác khu vực trong đó có hợp tác tài chính là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia tăng cường năng lực phối hợp và ứng phó với các tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bền vững.

kdk-0069.jpg
Việt Nam chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chia sẻ với các quốc gia trong khu vực những giải pháp chính sách mang tính toàn diện nhằm duy trì ổn định tài chính và giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Cụ thể, NHNN Việt Nam đã hai lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng lẫn người vay được tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Đi đôi với các hành động chính sách nới lỏng, NHNN tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường; điều chỉnh quy định liên quan cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí dịch thanh toán cho khách hàng; và tiếp tục các nỗ lực cải cách hệ thống và tăng cường hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống.

Các giải pháp đồng bộ và linh hoạt trong công tác điều hành chính sách của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả quan trọng; qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống. Thị trường tiền tệ ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng, qua đó góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp. Những kết quả khả quan này là yếu tố quan trọng góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia và duy trì lòng tin của các nhà đầu tư đối với kinh tế Việt Nam.

Các hành động chính sách của Chính phủ Việt Nam được các tổ chức quốc tế và các nước ASEAN+3 tham dự Hội nghị đánh giá cao. Nhiều dự báo cho rằng năm 2021 mức tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt tới 6,7%.

Nâng tầm vị thế

Năm 2020 được xem là một năm đặc biệt với cả ASEAN và Việt Nam, bởi đây là năm thứ 5 kể từ ngày Cộng đồng ASEAN được thành lập và cũng là năm thứ 25 Việt Nam gia nhập ASEAN. Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 mở ra cho Việt Nam cơ hội khẳng định vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, năm 2020 cũng khiến Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn trên cương vị Chủ tịch ASEAN, bởi đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của người dân các quốc gia trong và ngoài khu vực.

hnbt(1).jpg
Hội nghị đặc biệt của ASEAN về tình hình Covid-19 do Việt Nam chủ trì

Bằng sự nỗ lực, linh hoạt và trách nhiệm cao, Việt Nam đã có những phản ứng nhanh nhạy, sáng tạo, từng bước dẫn dắt ASEAN tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối và với các đối tác để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cũng như đề ra lộ trình phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nước ASEAN đồng lòng thúc đẩy những sáng kiến nhằm giúp Hiệp hội ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 như: Lập quỹ, kho dự phòng ứng phó Covid-19; lập ra các tiêu chuẩn ứng phó với dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể nền kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau dịch bệnh... Các chuyên gia kinh tế khu vực nhận định rằng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể phối hợp các nỗ lực, nguồn lực, cùng thúc đẩy toàn diện kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bên cạnh việc dẫn dắt ASEAN ứng phó đại dịch và từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, vai trò của Việt Nam trong duy trì và thúc đẩy hợp tác, triển khai đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu trọng tâm, ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020 cũng được các nước thành viên đánh giá cao. Những sáng kiến, ưu tiên được thống nhất từ đầu năm theo đề xuất của Việt Nam đều tiến triển đúng lộ trình. Cụ thể, triển khai các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ trên cả ba trụ cột; rà soát, đánh giá thực hiện Hiến chương ASEAN; xây dựng định hướng phát triển của ASEAN sau năm 2025.

Những đóng góp của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, dựa trên luật lệ, gắn kết với các đối tác và chủ động thích ứng để vượt qua thách thức.

Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch Covid-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Trang Nhi