WHO cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca trong các tình huống khẩn cấp
Chuyển động - Ngày đăng : 10:15, 16/02/2021
Tuyên bố lưu ý, các loại thuốc này hiện có thể sử dụng trong chương trình COVAX để phân phối vaccine ngừa COVID-19 công bằng trên thế giới, qua đó cho phép khởi động việc phân phối những loại vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Cụ thể, tuyên bố của WHO nêu rõ: "Hôm nay (15/2), WHO đưa hai phiên bản vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford vào danh sách sử dụng khẩn cấp, qua đó bật đèn xanh cho những vaccine này được triển khai toàn cầu thông qua COVAX (chương trình phân phối công bằng vaccine của WHO)".
Hai loại vaccine được phê duyệt nói trên đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tại Hàn Quốc. Ngoài hai phiên bản vaccine nói trên, đến nay mới chỉ có vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp
WHO đã thành lập COVAX cùng với liên minh vaccine GAVI, hướng tới việc tất cả các nước cùng tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19. Cơ chế này kêu gọi sự đóng góp tài chính của các nước giàu, sau đó đàm phán mua vaccine từ các hãng dược với giá phải chăng để cung cấp cho nước thu nhập thấp.
Trợ lý Tổng giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm, Tiến sĩ Mariangela Simao nhấn mạnh các nước đến nay chưa được tiếp cận với các loại vaccine ngừa COVID-19 cuối cùng sẽ có thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân có nguy cơ cao, góp phần vào thực hiện mục tiêu của COVAX là phân phối công bằng vaccine.
Tuy nhiên, WHO sẽ phải duy trì áp lực để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân cư ưu tiên ở khắp mọi nơi và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận toàn cầu. Để làm được điều này cần phải mở rộng năng lực bào chế vaccine và các nhà phát triển vaccine cần đẩy nhanh tiến độ gửi đơn đăng ký vaccine để WHO xem xét.
Trong một diễn biến khác, ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình Tình trạng khẩn cấp y tế của WHO lưu ý rằng hiện nay chưa đủ dữ liệu về việc vaccine ảnh hưởng đến sự lây lan của COVID-19 ra sao để áp dụng hộ chiếu cho khách du lịch.
“Hiện tại, giấy chứng nhận miễn dịch chưa được khuyến nghị là loại giấy tờ cần thiết khi đi du lịch quốc tế. Điều này thứ nhất là do vaccine chưa có sẵn cho tất cả mọi người, điều đó chỉ có thể hạn chế chứ không mở ra cơ hội đi lại. Thứ hai, chúng tôi không có đủ dữ liệu ngay lúc này để biết được liệu tiêm chủng có giúp ngăn chặn sự lây truyền virus hay không”, ông Ryan giải thích trong cuộc họp báo.
Trong bối cảnh kiểm dịch thường trú, một số quốc gia châu Âu đang tranh luận về khả năng cho phép những người được tiêm chủng tiếp cận với các dịch vụ đang bị đóng cửa hoặc dịch vụ du lịch. Đan Mạch và Thụy Điển không loại trừ khả năng hộ chiếu tiêm chủng sẽ dần dần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa. Tuy nhiên, WHO nói với Izvestia rằng cho đến nay chiến dịch tiêm chủng vẫn chưa đủ để dỡ bỏ các hạn chế.