Nét văn hóa độc đáo của chợ trâu Sín Chéng

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 06:13, 14/02/2021

Chéng đều coi đó là ngày hội. Bởi thế mà người Mông ở đây thường bảo, một năm có đến 50 lần Tết: Tết của người Mông, Tết của người Kinh và 48 ngày Tết chợ.
1(4).jpg

Một góc chợ trâu Sín Chéng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai

Si Ma Cai (Lào Cai) vừa kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện, cũng là từng ấy năm người Mông, Nùng, Thu Lao, La Chí…tại xã Sín Chéng cần mẫn như con ong của núi rừng trong công cuộc khai sơn phá thạch, xây dựng cuộc sống mới. Dù cuộc sống và nếp sinh hoạt có nhiều đổi khác, nhưng phiên chợ trâu được tổ chức ở nơi đây vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa bản địa giữa trùng điệp núi rừng.

Nằm cách biên giới chỉ 3km đường chim bay, Sín Chéng được coi là phiên chợ xa xôi nhất mảnh đất Si Ma Cai. Đêm trước ngày họp chợ phiên, tiếng mõ trâu vang vọng khắp các ngả đường trong bản. Qua ô cửa sổ ngôi nhà trình tường, chúng tôi đưa mắt nhìn theo từng đàn trâu đang nối đuôi nhau về phía quả đồi đằng xa tít tắp, lòng háo hức chờ đợi sớm mai được theo chân những chàng trai, cô gái người Mông ra chợ.

Người dưới xuôi vẫn kể, quãng đường 12km từ trung tâm huyện Si Ma Cai lên xã Sín Chéng toàn “đặc sản cua”. Đấy là những đoạn vòng vèo, gấp khúc liên tục bên sườn đá núi, người không đi quen, ngồi xe máy cũng say. Song, dù xa xôi cách trở là vậy nhưng không khí đông vui tấp nập của chợ trâu Sín Chéng lại không hề thua kém những phiên chợ cực kỳ nổi tiếng của Lào Cai như Cán Cấu, Bắc Hà…

Chẳng ai có thể nhớ nổi “sàn giao dịch” trâu ấy có từ bao giờ! Chỉ biết từ mờ sáng ngày thứ 4 hằng tuần, khi con gà trên núi vừa cất tiếng gáy, bếp của người Mông vừa đỏ lửa, thì từng đàn trâu đã nối đuôi nhau đổ về đây. Có những con được đưa về từ bên kia đỉnh Quan Thần Sán bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn. Cũng có đàn chỉ mới được người dân lùa về hôm qua trong những cánh rừng của Thào Chư Phìn, của Lùng Sui, của Bản Mế. Hay trâu từ các tỉnh thành xa xôi hơn như Lai Châu, Yên Bái… cũng theo các đoàn buôn về đây góp mặt.

Trong một phiên chợ cuối năm ngoái, anh Thào A Cho đã phải lòng người con gái có tài thêu quần áo thổ cẩm của xã Nàn Sín, rồi họ nên duyên vợ chồng. Tới phiên chợ trâu lần này, anh dẫn vợ của mình cùng đi. Họ dự định sẽ chọn mua một con trâu to khỏe. Sau Tết Nguyên đán, nó sẽ cùng vợ chồng anh khai hoang, vỡ đất, ước mong năm mới lúa ngô sẽ chất đầy trong nhà.

Trên đường đi, Thào A Cho kể: “Muốn mua được một con trâu ưng ý, thì phải xem thật kỹ các bộ phận như sừng, răng, chân, đuôi, cổ, bụng, khoáy, tai… và tổng thể hình dáng bề ngoài của mỗi con trâu. Thế nên việc xem trâu và ngã giá có khi diễn ra cả buổi. Nhiều người xem cả phiên chợ cũng không chọn được con trâu theo ý của mình”.

Mấy năm gần đây, nhờ có giá trị kinh tế cao nên với nhiều gia đình, trâu còn trở thành "con xóa đói giảm nghèo". Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn nuôi hàng chục con. Chỉ sau một năm chăm sóc chúng đã có thể "hành quân" về xuôi. Điều này không chỉ góp phần đáng kể cho việc phát triển đàn gia súc của địa phương mà còn trở thành phương kế giảm nghèo hiệu quả trên vùng biên viễn…

Trong khu đất rộng đến cả hecta của chợ Sín Chéng, thứ “mặt hàng bốn chân” hàng trăm con cứ vô tư đứng san sát chẳng theo hàng lối. Để chúng khỏi chạy và húc nhau, chủ trâu phải giữ chạc trâu một chỗ. Có người cẩn thận còn dùng cả cọc tre để buộc trâu vào nơi cố định. Với số lượng trâu nhiều như vậy, ai muốn mua cứ thỏa sức mà chọn lựa. Nhưng có khi, chọn được một chú trâu vừa ý rồi lại phải mỏi cẳng đi tìm chủ trâu, vì không ít lần chủ trâu đang say sưa ở một quán thắng cố nào đó ven chợ.

Nếu trên lưng trâu mà có chữ viết bằng vôi choe choét “A Dín”, thì người mua cứ đi tìm chủ trâu Dín ra ngã giá. Một gã lái trâu miền xuôi lên, một mực nắm sừng con trâu có chữ “Páo” mà gân cổ gọi, ra điều tao có tiền mày ra đây mà bán. Gã không biết rằng, con trâu ấy được Thào Páo mang ra chợ chỉ để khoe với dân bản rằng, con trâu này đã giúp nhà tao làm hai tạ lúa nương đấy, chứ đâu phải cứ mang trâu ra chợ là bán đâu mà!

Chợ trâu Sín Chéng độc đáo ở chỗ, sau khi biết giá những người dự phiên chợ sẽ cùng bình phẩm về con trâu ấy để cả người mua và người bán cùng tham khảo. Mỗi mức giá được đưa ra, kẻ mua, người bán lại vỗ đôm đốp vào mông trâu như thể người ta “gõ búa” trong những phiên đấu giá! Tới một mức giá hợp lý, chủ trâu quyết định bán thì việc thanh toán tiền được diễn ra ngay tại chợ. Rồi người mua sẽ chẳng vội vàng dắt trâu ra về mà lại cùng người bán tìm đến một quán rượu để giao lưu, để kết bạn và không quên dặn: “Lần sau có trâu đẹp thì để cho tao nhé”.

Ngoài trâu ra thì các mặt hàng được bày bán tại chợ Sín Chéng cũng vô cùng đa dạng. Đó là quần áo thổ cẩm sặc sỡ được vẽ bằng sáp ong, dưới bàn tay khéo léo và nhẫn nại của những cô gái người Mông. Đó là cái cuốc, cái cày hay con dao đi rừng được rèn thủ công qua kinh nghiệm của người Thu Lao, người La Chí… Có cả cô gái má đỏ hây hây đi bán những con lợn đen tí xíu, được cột vào bó dây thừng dài loằng ngoằng. Song người tới chợ vùng cao ngoài việc mua bán còn để chơi, để xem, để hẹn hò… để kiếm một nửa còn lại của đời mình. Trương Hữu Thiêm có thơ về chợ vùng cao thế này: “Có vợ đem theo vợ/ Có chồng đem theo chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không…”

Chợ Sín Chéng họp từ khi ánh sáng mặt trời còn chưa vượt qua được ngọn cây sa mộc và chỉ chịu tàn khi những người đến từ đỉnh núi xa đứng dậy ra về trong chếnh choáng men rượu thơm nồng. Tay vén lá rừng ướt đẫm, chân đạp lên đá trơn trượt, họ liêu xiêu về bản, dập dìu theo tiếng mõ trâu leng keng.

Anh Vàng A Đức, Phó Bí thư đoàn xã Sín Chéng bảo: “Chợ là nơi giao lưu giữa các dân tộc với nhau, cũng là nơi giao thoa của nhiều vùng, nhiều miền văn hoá”. Đến chợ phiên Sín Chéng cho ta niềm tin vào sự bền vững của những giá trị văn hoá, được tiếp nối, gìn giữ bởi những con người biên ải, muôn đời sống và gắn bó với núi rừng.

Vũ Mừng