Tranh Đông Hồ: Tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 16:00, 12/02/2021
Sáng bừng trên giấy điệp...
Nói về tranh Đông Hồ, thi sĩ Hoàng Cầm từng ngân nga rằng: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Lời thơ tha thiết ấy, đã đưa bước chân chúng tôi tìm về với mảnh đất có dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất nước ta. Kết tinh trong mỗi một bức tranh là bản sắc văn hóa và sự tài hoa của người dân Kinh Bắc.
Với những con phố buôn bán mới, những ngôi nhà cao tầng san sát nối nhau trải dài tít tắp, so với các địa phương lân cận nhịp sống của xã Song Hồ dường như nhanh hơn, hối hả hơn... Nhưng khi hỏi thăm về các gia đình còn gắn bó với nghề làm tranh, chúng tôi đều nhận được sự nhiệt thành chỉ lối và giới thiệu. Điều thú vị nhất là tất thảy những người còn gắn bó với nghề, đều được người dân trân trọng gọi với hai tiếng nghệ nhân, mà không dùng những danh xưng thông thường khác. Ở trong chính cách gọi đó đã thể hiện được sự tự hào, niềm trân trọng của cộng đồng đối với người làm nghề. Sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, trước vô vàn biến thiên của lịch sử, sức sống lâu bền của tranh Đông Hồ bắt đầu từ những điều bình dị và cũng cực kỳ tinh tế như thế!
Người ta thường bảo, tranh Đông Hồ là tranh Tết. Sau mỗi một năm người chơi tranh lại thay thế bức tranh cũ bằng tranh mới. Ý nghĩa sâu xa mà những nghệ nhân Đông Hồ gửi gắm vào mỗi tác phẩm, cũng chính là khát vọng về năm mới của người chơi tranh. Bởi lẽ, dòng tranh này “tả - kể” về lối sống, về quan niệm nhân sinh hay phong tục tập quán cũng như đời sống lao động. Trong tranh còn có cả tình cảm yêu mến hoặc sự phê phán hài hước nhẹ nhàng, thông qua các đề tài: Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Nghênh xuân, Nhân nghĩa. Thông qua cả hình tượng những con vật thần thoại như long, ly, quy, phượng hay quen thuộc, gần gũi như gà, lợn, mèo, chuột...
Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo.
Quãng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944, là thời kì hưng thịnh nhất của làng. Lúc ấy, tất cả 17 dòng họ đều gắn bó với nghề làm tranh. Theo quang gánh của các bà, các mẹ, tranh Đông Hồ sẽ ra chợ vào các phiên 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp, trong sự mong chờ và háo hức của cả người mua, kẻ bán.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm tâm sự rằng: “Tranh thì nhất định phải in trên giấy dó bởi giấy dó bền, dai, mềm mại, lại giữ màu mực/son lâu dài. Có giấy dó rồi, nghệ nhân Đông Hồ phết hồ loãng trộn bột điệp lên, bằng những cây chổi lá thông rồi phơi cho khô. Hồ điệp trắng ngà, lấp lánh ánh xà cừ theo vết chổi thông, vừa đẹp vừa sang. Tranh Đông Hồ thường có 4 gam màu chính. Màu đen làm từ than quả xoan hoặc than lá tre. Màu xanh lục tạo tác từ gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao Lạng. Màu vàng chiết suất từ hoa hòe, hoa dành dành. Và nước vỏ vang thì làm nên màu đỏ”.
Rõ ràng tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ, mà được in từ những mộc bản có sẵn. Nhưng chớ vội lầm tưởng việc in tranh là đơn giản! Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem thì một bức tranh chia làm bao nhiêu phần bố cục, thì mất bằng ấy lần in. Lối in thủ công giản dị mà tinh xảo, trên một mặt phẳng theo lối “đồng hiện”, bất chấp luật xa/gần trong hội họa phương Tây tạo nên một dòng tranh đặc sắc, thuần Việt, quý báu.
Người có niềm đam mê với văn hóa dân gian, khi về với làng tranh Đông Hồ rất dễ bị “nghiện”, đó là “nghiện tranh”. Bởi lỡ mua một bức rồi, thì kiểu gì cũng muốn mua tất cả để trưng và để chơi cho thỏa lòng. Dĩ nhiên khi gặp những vị khách có lòng như vậy, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm lại gói ghém thật cẩn thận những bức tranh cùng chủ đề, rồi hào phóng đem tặng cho người hữu duyên, đem lòng si mê những bức tranh đó! Lúc này không còn người mua kẻ bán nữa, mà thành người tặng và người nhận. Thế nên cha ông ta mới đúc rút ra rằng: Nhất chữ - Nhì tranh - Tam sành - Tứ mộc, để nói về 4 thú chơi tao nhã của người Việt.
Hình ảnh trâu trong tranh Đông Hồ
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, trong hơn 200 đề tài khác nhau được thể hiện qua tranh Đông Hồ thì chủ đề về con trâu luôn được các nghệ nhân dành nhiều tâm huyết. Các bức tranh này, chủ yếu đi sâu miêu tả con trâu cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường như: Mục đồng thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Chọi trâu, Hiếu học, Nghỉ ngơi, Cày bừa...
Với hai bức tranh Mục đồng thổi sáo và Chăn trâu thả diều, đã lột tả chân thực sự thanh bình của làng quê Việt. Tranh Mục đồng thổi sáo là hình ảnh một chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dựng đứng như một chiếc ô. Xung quanh là cỏ cây đất trời rộng lớn. Bên góc phải bức tranh các nghệ nhân có ghi dòng chữ Hà diệp cái thanh thanh (Lọng lá sen xanh xanh). Trâu trong bức tranh này thật đáng yêu và ngộ nghĩnh, đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, đuôi ve vẩy khoan khoái. Tranh Cưỡi trâu thả diều là hình ảnh một chú bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều, trong tranh có chữ Vũ thu phong nhất tướng (Một hình ảnh gió thu múa). Tranh Cưỡi trâu thả diều có hai dị bản, một bức có chữ Vũ thu phong nhất dực, một bức khác có chữ Nhất tương phúc lộc điền.
Tôi đã từng được nghe một người bạn là họa sỹ - người đã dành trọn tình yêu của mình với hình ảnh con trâu trong văn hóa dân gian - chia sẻ: “Chi tiết trong hai bức tranh này khá đơn giản nhưng có sức gợi tả. Với gam màu đen là chủ đạo đã mang đến cho tranh sự khỏe khoắn, khiến cho màu có độ chín. Điểm thêm màu đỏ của hoa, màu xanh của lá, trên nền màu nâu đỏ. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng. Triết lý âm dương được biểu hiện rõ đó là: Thấp - cao; đất - trời; cỏ - sen; tối - sáng; màu đen - màu đỏ. Bố cục tranh hài hòa, trong tranh các khoảng trống đều nhau nên đã tạo nên tính nhịp điệu cao, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng”.
Nhiều năm trở lại đây, không chỉ dừng lại ở dòng tranh in trên giấy dó, người Đông Hồ còn sáng tạo thêm cả tranh khắc trên gỗ mà ở đó các chi tiết đều được mô phỏng lại theo các bức tranh in nhất là vẫn giữ được hồn cốt của tranh dân gian Đông Hồ. Điều này không chỉ giúp tranh Đông Hồ thêm phong phú về cách thể hiện mà còn lan tỏa giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ lâu bền hơn với thời gian.
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030", Dự án "Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ. Đặc biệt, Bắc Ninh đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tranh dân gian Đông Hồ; chủ trì phối hợp các đơn vị xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Điều này khiến những nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Đăng Chế vững tin vào một điều rằng, nét văn hóa của cha ông sẽ được gìn giữ, không bị mai một. Và khi các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát huy, thì tranh Đông Hồ đang dần quay trở lại thời kỳ hưng thịnh, tìm lại được vị thế vốn có của mình.