Để cho câu hát quan họ vươn cao, bay xa
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 15:08, 15/02/2021
Dân ca quan họ mang nhiều nét độc đáo
Từ xa xưa dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Mỗi làn điệu quan họ hay từng bài quan họ đều có giai điệu riêng, phong cách riêng. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu quan họ cùng đồng hành với quá trình phát triển của đời sống xã hội, các mối quan hệ cộng đồng giao lưu văn hóa nên sinh hoạt quan họ thường gắn liền với những sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hướng tới cái đẹp. Chính vì lẽ đó, dân ca quan họ đong đầy những nét độc đáo.
Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, bình dân đằm thắm, nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình. Cách hát không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.
Ngày xưa, nhiều người không ở vùng quan họ thường có nhận xét: "Người quan họ nói như có văn có sách". Ngôn ngữ của người Quan họ là một ngôn ngữ giàu chất thi ca của ca dao, tục ngữ, chuyện nôm… Nề nếp Quan họ đòi hỏi mọi người khi đã đến với quan họ đều phải lịch sự, trang nhã từ trang phục, cử chỉ, ngôn ngữ, khi ăn, nói, lúc đứng ngồi... cho đến miếng trầu, chén nước.
“Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi
Trà này quý vậy người ơi
Người xơi một chén cho tôi vui lòng…”
Đến với Kinh Bắc, một điều dễ nhận thấy hầu hết từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu quan họ. Người chơi quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những ngưòi có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều "giọng" Quan họ. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha…
Đến í hẹn ớ ơ là đến hẹn lại lên,
Quan họ trở ra à về.
Đến í hẹn ớ ơ, đến i hẹn lên…
Là đến hẹn lại lên ì í i…
Một đặc điểm tâm lý được hình thành lâu đời ở các làng Quan họ là niềm tự hào và quí mến, trân trọng đối với tiếng hát và hoạt động ca hát Quan họ. Nhiều người không hát được Quan họ và rất nhiều người không có thể trở thành liền anh, liền chị Quan họ, nhưng hầu như ai cũng tự hào, hỗ trợ cho hoạt động ca hát Quan họ. Ai cũng nghĩ tiếng hát Quan họ là tiếng hát cầu duyên, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể là cái cầu nối với đất trời, thần, phật để thỉnh cầu: cầu mưa, giải hạn... Chính tâm lý này đã tạo nên những thói quen, phong tục đẹp của làng xã, gia đình đối với những người ca hát Quan họ, đối với hoạt động ca Quan họ, do đó, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát triển Quan họ bền vững, lâu dài.
Ðến bây giờ các hội làng trên mảnh đất Bắc Ninh đều không thể thiếu vắng sắc màu và âm thanh Quan họ. Những hội hè này trải dài từ mùng 4 Tết âm lịch đến 28-3 âm lịch.
Phải bảo tồn, phát triển những giá trị vốn có của Quan họ
Dân ca quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng và đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 9/2009. Quan họ luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn những người yêu nghệ thuật và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng Kinh Bắc, đồng thời đang được truyền bá sâu rộng dưới nhiều hình thức.
Để tìm hiểu đâu là sức mạnh giúp cho người dân nơi đây cùng nhau giữ gìn bản sắc của cha ông để lại, chúng tôi đến với làng Đỗ Xá (hay còn gọi là làng Đọ) nay là phường Ninh Xá, thuộc TP. Bắc Ninh là một trong 49 làng quan họ gốc, Anh hai Nguyễn Xuân Trường là Chủ nhiệm CLB quan họ làng Đọ cho biết, như bao làng quan họ khác, sinh hoạt quan họ ở đây luôn duy trì chưa bao giờ đứt mạch. Trong những năm còn làm sản xuất nông nghiệp, trong làng có 4 xóm hình thành 4 đọ quan họ, mỗi đọ có nhiều lứa tuổi tham gia, các vị cao niên truyền lại cho thế hệ thứ 3, thứ 4, chơi quan họ kết bạn – hội hè giao lưu – đi về lề lối hoặc hát vặt. Thường vào dịp hè, những du khách qua đây đều phải dừng chân, xao lòng bởi những âm thanh vang lên đó chính là lớp học măng non của làng. Các em đến sinh hoạt với niềm say mê, yêu thích quan họ được các nghệ nhân truyền dạy biểu diễn những bài quan họ đơn giản; truyền đạt những kiến thức cơ bản của quan họ; những bài dễ nhất và hay nhất. Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức cho các em đi học tập, giao lưu các làng anh, làng em trong tỉnh. Anh Hai Xuân Trường cho biết thêm hiện nay CLB đang hướng dẫn hai thế hệ kế cận; lớp thanh niên sinh hoạt ngoài giờ đi làm vào hai buổi tối thứ 4 và thứ 7; đối với các cháu thiếu niên nhi đồng dành riêng vào trong 3 tháng hè.
Là đại diện cho nghệ nhân tiêu biểu bây giờ, anh hai Xuân Trường đã trên cái tuổi 70, cái tuổi không còn xuân, nhưng anh vẫn đam mê chơi quan họ như thuở 13, 14 tuổi trèo tường chốn bố để đi theo các liền anh trong làng thi hát đối đáp với các liền chị thôn bên. Tuy nhiên nỗi đam mê chơi và hát quan họ giờ đây còn là sự trăn trở làm sao phải truyền lại cho lớp con trẻ kế tục, như những gì anh đã được học từ mẹ, từ những nghệ nhân trong làng.
Theo anh Hai Xuân Trường ai cũng có thể học thuộc một làn điệu quan họ và hát được trên sân khấu. Còn “chơi quan họ” mới chính là hình thức quan họ truyền thống, đặc trưng. Chơi quan họ đề ra những lề lối nhất định đòi hỏi liền anh, liền chị tham gia phải am hiểu tường tận quy tắc, luật lệ, nhất là phải có vốn quan họ kha khá. Một liền anh, liền chị có thể đứng trước nhiều người và đối hát thì phải thuộc ít nhất 150 bài cùng bảy điệu cơ bản nhất: la rằng, đường bạn, tình tang, cây gạo, lên núi, cái hời, cái ả,… Anh kể lại chuyện xa xưa: Làng Sói (Xuân Ái – Yên Phong) và làng Yên (Yên Mẫn – thị xã Bắc Ninh) là hai làng quan họ gốc kết bạn với nhau, thường tổ chức ca hát mừng hội, mừng xuân. Năm ấy hai làng thi đối đáp với nhau trên thuyền giữa ao làng Sói. Các “anh hai, chi hai” làng Yên chuẩn bị được nhiều câu hay nhưng vẫn lo, vì liền anh, liền chị làng Sói ca có tiếng, lại thuộc nhiều câu, bèn nghĩ ra một cách để anh hai Chắt năm dưới thuyền “gà” bài. Quả thật, canh hai trên thuyền lúc bước vào chặng kết, rất gay go, trên thuyền làng Sói đã ra câu:
“… Giăng bao nhiêu tuổi, giăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non…”
Trong khi đó, các anh hai, chị hai trên thuyền làng Yên chưa hát đáp lại được vì bí. Tức thì anh Hai Chắt (đang nằm dưới thuyền) hắng giọng nhắc :
« Giăng bao nhiêu tuổi giăng non
Người bao nhiêu tuổi vẫn còn đương xinh »…
May sao bài ca đó được liền anh, liền chị trên thuyền làng Yên ca trôi chảy, suýt nữa thua.
Anh hai Xuân Trường nhớ lại, sau khi đoạt giải nhất Hội thi hát đối đáp quan họ đầu xuân của tỉnh Bắc Ninh, anh bắt đầu đi dạy mang quan họ đến với thế hệ măng non cũng như lớp người cao tuổi. Đến nay anh đã truyền dạy cho 7 đến 8 thế hệ ở các làng Y Na, Bò Sơn (Thị xã Bắc Ninh) ; làng Kinh Đào, huyện Lương Tài ; làng Bùi Xá (huyện Thuận Thành)… Có những nơi, các cháu chưa biết tí gì về quan họ, nhưng nay đã thành liền anh, liền chị được nhiều người biết mặt, nhớ tên. Với tình yêu quan họ, anh hai Xuân Trường vừa đảm trách Phó Chủ nhiệm CLB quan họ người cao tuổi của Trung tâm Văn Hóa tỉnh Bắc Ninh, vừa là Chủ nhiệm CLB quan họ làng Đọ, là nghệ nhân truyền dạy quan họ cổ, tham gia hoạt động tại Trung tâm UNESCO Bảo tồn và phát triển văn hóa Bắc Bộ, lại là thành viên CLB thơ ca TP. Bắc Ninh luôn bận rộn biểu diễn, vần dành nhiều thời gian đi truyền dạy quan họ. Vất vả là thế, nhưng anh hai Xuân Trường luôn cảm thấy vui vì được góp công sức để mang quan họ đến với những ai yêu quan họ.
Phải « Bảo tồn, phát triển những giá trị vốn có của Quan họ » không chỉ là quan điểm của anh hai Xuân Trường mà còn là của nhiều người yêu quan họ. CLB quan họ Người cao tuổi và hoạt động phong trào bảo tồn di sản văn hóa quan họ huyện Tiên Du cũng là mô hình hoạt động với mục đích đó. Được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền huyện, CLB quan họ NCT huyện được thành lập từ tháng 5/2006. Ban đầu, thành viên trong câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, tập hát, nhưng dần dần cũng đi vào nền nếp, hàng tuần, hàng tháng lớp học hát quan họ của huyện lại hội tụ về nhiều hội viên NCT, thậm chí có cả những người chưa phải là hội viên và các cháu thanh thiếu niên yêu thích quan họ từ các tỉnh, TP. Hà Nội đến tham gia học hát. Lớp học được sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa truyền dạy ngoài tiêu chí “vang”, “rền”, “nền”, “nảy”, còn phải áp dụng nhiều kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá, hãm giật, hãm lửng, buông câu, nhả chữ mới hay được. « Hữu xạ tự nhiên hương » CLB quan họ NCT của huyện Tiên Du lúc đầu chỉ có 80 hội viên đến nay đã kết nạp gần 200 hội viên với đội ngũ « anh hai, chị hai » thật hùng mạnh đảm bảo hoạt động đều tay và đi giao lưu với nhiều địa phương…
Với những nỗ lực của các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, của những người dân Bắc Ninh trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lớp người cao tuổi như anh Hai Xuân Trường, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa và các CLB quan họ của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong nhiều năm qua đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc giữ gìn, bảo tồn quan họ Bắc Ninh – Di sản phi vật thề đại diện của nhân loại.
Và, có lẽ sau cả năm làm ăn, những người con xa xứ trở về quê hương, hay cả những người yêu mến quan họ đến với kinh bắc trẩy hội, được thưởng thức văn hóa, nghe các liền anh, liền chị hát quan họ sẽ thấy lòng mình lắng lại quên đi hối hả cuộc sống, mới thấy mùa xuân mới tràn đầy sức sống đang về.