Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đầu xuân
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:00, 15/02/2021
Công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào thời Hậu Lê
Đến thăm quan đền thờ Tả Tướng quốc bằng nhiều đường khác nhau. Từ Thủ đô Hà Nội đi theo hướng cao tốc Nội Bài – Lao Cai đến nút giao IC6 Văn Quán đi dọc theo đường đê sông Phó Đáy chạy đến xá Sơn Đông, rẽ vào thôn Đa Ca là tới. Nếu du khách đi từ hướng Tây bắc qua thành phố Việt Trì đi lên đê sông Lô, qua bến phà Đức Bác, rẽ sang phải chạy thẳng theo bờ đê Phó Đáy tới xã Sơn Đông, thôn Đa Cai; hoặc từ trung tâm thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đi theo tỉnh lộ 305C từ trung tâm huyện Lập Thạch chạy qua huyện Sông Lô men theo đường đê qua xã Triệu Đề chay tầm 4 km là tới.
Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó tiêu biểu là đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Đây là một trong những khai quốc công thần hàng đầu của triều Lê, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ 15.
Trao đổi với phóng viên, Thủ từ Trần Anh Khiết 76 tuổi, nguyên cựu chiến binh Công trường 9 (Sư đoàn 9) miền Đông Nam Bộ "gian lao mà anh dũng" trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, đã giới thiệu lai lịch Đền thờ Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn (chữ Hán: 陳元扞, 1390 - 1429) là nhà quân sự Đại Việt thời Lê sơ. Đền này còn gọi là đền Tả Tướng hay đền Thượng là một công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào thời Hậu Lê.
Di tích này gắn liền với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn. Ông vốn xuất thân dòng dõi vương tộc nhà Trần và là một vị tướng tài đức song toàn, có công lớn giúp Lê Lợi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tên tuổi của ông gắn với những chiến thắng vang dội mang tên Tân Bình – Thuận Hóa, Bố Chính, Đông Bộ Đầu, Xương Giang. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, mở đầu triều đại Lê sơ, Trần Nguyên Hãn được ban quốc tính và phong chức Tả Tướng quốc. Một thời gian sau, ông xin về an trí tại phủ đệ ở Sơn Đông, Lập Thạch. Do gian thần ghen ghét, ông bị mưu hại phải trẫm mình xuống sông. Hai mươi sáu năm sau, dưới triều vua Lê Nhân Tông (1455) Trần Nguyên Hãn được minh oan và phong hiệu “Khai quốc nguyên huân”; đến nhà Mạc được tặng phong “Tả Tướng quốc trung liệt Đại vương”.
Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, cao, rộng tương truyền chính là nơi đặt phủ đệ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn. Từ khi xây dựng đến nay, đền đã được tu sửa nhiều lần song có quy mô lớn nhất vào năm 2011, được Nhà nước đầu tư 11 tỷ đồng. Khu vực nội vi được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ gồm: Đền thờ chính, nghi môn, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, lầu thiêu hương, nhà đặt đá mài gươm, sân vườn, tường rào... Ngôi đền gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, có 6 hàng chân cột gỗ lim bề thế, mang giá trị văn hóa đặc trưng của loại hình kiến trúc di tích cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Các mảng, các đề tài chạm khắc, trang trí mỹ thuật trên kiến trúc, ở đồ thờ tự, với kỹ thuật sơn thiếp trên hoành phi, câu đối, long ngai bài vị... đều là những tác phẩm điển hình về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình dân gian truyền thống.
Tưởng nhớ công lao của người Anh hùng dân tộc
Đến với ngôi đền, du khách cảm nhận được sự trang nghiêm và bình yên. Ngay trước cổng đền là cây lộc vừng cổ thụ. Thủ từ ngôi đền cho biết: Cây này đã gần 600 tuổi. Hàng năm, cứ vào tháng 7, hoa lộc vừng nở rộ, cả cây được bao phủ một màu đỏ rực rỡ, những bông hoa rụng xuống như một tấm thảm nâng đỡ bước chân du khách thập phương. Trong không khí trang nghiêm, tĩnh lặng, du khách được trở về những năm tháng lịch sử xưa qua câu chuyện về phiến đá mài gươm của Tả Tướng quốc. Tương truyền, trước kia, Trần Nguyên Hãn đêm đêm đem gươm ra mài ở một hòn đá lớn bên bờ ao Son, vì vậy trên thân hòn đá có một vết lõm trông tựa như vết chém. Phiến đá sau một thời gian dài bị phù sa sông Lô lấp, ngày 12/1/1998, nhân dân thôn Đa Cai tìm thấy, trục vớt, chuyển về đặt trong khuôn viên đền thờ Tả Tướng quốc để mọi người cùng chiêm ngưỡng dấu tích còn lại của người anh hùng một thưở.
Di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn được gia tộc họ Trần ở Sơn Đông nói riêng và người dân huyện Lập Thạch và tỉnh Vĩnh Phúc bao năm qua quan tâm, gìn giữ với một lòng thành kính. Những ngày tiệc làng, ngày sinh, ngày mất của Tả Tướng quốc và dịp đầu xuân, hàng vạn du khách trong cả nước đã hành hương về đây.
Thủ từ Trần Anh Khiết cho biết thêm, hàng năm cứ đến ngày 26/2 âm lịch là ngày giỗ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn nhân dân sẽ tổ chức lễ trọng thể. Trước hôm diễn ra lễ chính tối 25/2 âm lịch sẽ mời Đoàn Quan họ Bắc Ninh đi thuyền rồng trên hồ lớn trước Đền hát Quan họ cùng nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống chào mừng du khách.
Hiện nay rất tiếc rằng do thiếu hiểu biết về lịch sử, hòn đá mà Trần Nguyên Hãn mài gươm một chứng tích khi phát hiện ngày 12/1/1998 đã bị phù sa Sông Lô vùi sâu 2 mét, nghiêng về phía ao Sen, chiều dài khoảng 2,49m, chiều rộng khoảng 1,6m, bề dày khoảng 0,4m và nặng khoảng 2 tấn, đáng lẽ để nguyên viên đá ở đó, dựng thành lều mái che và khôi phục lại ao Sen, để mọi người cùng đến tận nơi chiêm ngưỡng dấu tích còn lại của người anh hùng thủa trước, nhưng đã cẩu về trước cổng đền làm mất thiêng và giảm hẳn ý nghĩa của chứng tích lịch sử này. Nhiều ý kiến cho rằng, hòn Đá mài gươm này đưa về chỗ cũ cùng với khôi phục lại ao sen như thuở ban đầu để xứng với chính danh lịch sử.
Tuy vậy, Đền Trần Nguyên Hãn cùng quần thể di tích xã Sơn Đông như ruộng Tả tướng, ao Tó, rừng Thần, đá mài gươm, cống Khẩu, bến Đông Hồ cùng các di tích khác trong khu vực như đình Bác Cổ, đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung, chùa Am... đã và đang hấp dẫn khách thập phương. Năm 1984, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có quyết định xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn là Di tích quốc gia. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông, nhất là vào dịp đầu Xuân, nhân dân trong vùng và khắp nơi trong cả nước thường về đây dâng hương tưởng nhớ công lao của người Anh hùng dân tộc.