Tết ở “xứ cơ cầu”

Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 14/02/2021

Bạc Liêu, mảnh đất được nhắc đến qua câu ca dao “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”, là nơi sinh tụ của nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer... Chính vì sự đa sắc ấy đã khiến cho vùng đất được xem là “cái nôi” của đờn ca tài tử này hội tụ thêm được nhiều nét văn hóa đặc sắc khác của các tộc người. Từ văn hóa ẩm thực cho đến phong tục đón Tết cổ truyền.
anh-bai-tet-o-xu-co-cau-1.jpg
Tết của người Hoa luôn rực rỡ sắc màu

“Qua được nạn con niên”

Trong các dân tộc sinh sống tại Bạc Liêu, người Hoa chiếm đến trên 10% dân số toàn tỉnh. Đối với cộng đồng dân tộc này, Tết Nguyên đán có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây không chỉ là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, mà còn là dịp các bậc tiền nhân giáo dục con cháu giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Nếu như người Kinh xem giao thừa là thời khắc đánh dấu cho một năm mới thì người Hoa lại gọi là “qua niên”. Từ “qua niên” ngoài ý nghĩa qua năm cũ bước sang năm mới, còn mang một ý nghĩa khác là “qua được nạn con niên”. Bởi, theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, ngày xưa, vào đêm 30 Tết thường xuất hiện con quái vật tên niên. Không chỉ phá hại mùa màng, bắt trộm gia súc, gia cầm, con niên còn bắt người ăn thịt. Vì vậy, nhà nào cũng đóng chặt cửa và không ai dám ra ngoài.

Thương người dân mắc nạn, một vị thần đã chỉ cách đuổi con niên bằng việc tổ chức đốt pháo, đánh trống và dán giấy đỏ trước cửa mỗi nhà. Thế là năm đó cả làng ăn tết vui vẻ vì đã qua được nạn con niên. Đây cũng là lý do để giải thích vì sao người Hoa có tục đốt pháo vào đêm Giao thừa.

Xuất phát từ tích trên, mỗi dịp xuân về người Hoa thường dán giấy đỏ trước cổng nhà và xem như “đào phù” mang lại nhiều may mắn. Bên cạnh đó, để tránh sự đơn điệu, nhiều người đã viết lên tờ giấy đỏ những câu chúc phúc tốt lành, cầu cho năm mới được thuận mùa, phát tài, phát lộc… Vậy là tục viết liễn xuân ra đời và trở thành một thú vui tao nhã.

Ngày xuân, ở các khu phố thương mại hoặc các đình, miếu của người Hoa, người ta thường thấy xuất hiện những ông đồ ngồi viết liễn xuân như một việc làm để giữ cái hồn, cái tinh túy văn hóa của dân tộc. Các câu đối đỏ được viết theo thể tứ thư, ngũ ngôn, hoặc thất ngôn đem treo hai bên cửa, hay dán trong nhà, phòng khách mang những ý nghĩa cát tường như: hoa khai phú quý, phát tài - phát lộc, vạn sự hanh thông… Đến nay, nhiều gia đình người Hoa ở Bạc Liêu vẫn còn giữ mỹ tục tặng liễn xuân cho nhau trong mấy ngày tết và xem đây như việc cung hỷ phát tài.

Một trong những mỹ tục luôn được cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu gìn giữ và rất đề cao là bữa cơm đoàn viên vào ngày 30 Tết. Chiều, hoặc đêm 30, dù ai đi làm ăn xa đến đâu cũng phải trở về sum họp gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên.

anh-bai-tet-o-xu-co-cau-2.jpg
Cù Lao - món ăn không thể thiếu của người Hoa trong bữa cơm tất niên

Để có được một bữa cơm đoàn viên đầy ý nghĩa, người Hoa thường chuẩn bị khá chu đáo. Các món ăn truyền thống trong bữa cơm sum họp của người Hoa thường là vịt quay, heo quay, mì, lẩu, cải hầm, chè bát bửu... và đặc biệt không thể thiếu món cù lao và cá chiên chua ngọt.

Ở mỗi món ăn, đều mang ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn như những sợi mì vàng óng kết nối với nhau tượng trưng cho sự trường thọ; món cải suôn xại hầm tượng trưng cho con cháu đông đủ, gia đình sung túc; còn món chè bát bửu với mong muốn dù đi làm ăn xa ở nơi đâu cũng được may mắn, thuận lợi. Ngoài ra, trong bữa ăn ngày tết đoàn viên của người Hoa ở Bạc Liêu còn có nhiều món khác như cháo trắng, bánh tổ, bánh đỏ, chè trôi nước...

Theo quan niệm của người Hoa, chiếc bàn tròn tượng trưng cho sự viên mãn, và chiếc bàn được lựa chọn để dọn tiệc phải rộng, đủ chỗ cho hơn 10 người cùng ngồi. Riêng vị trí đặt bàn, nếu nhà rộng người Hoa thường dọn tiệc ở khu vực giữa nhà, vì nơi đây có bàn thờ gia tiên, với ý nghĩa chung vui với tổ tiên trong mấy ngày tết.

Bên cạnh bữa cơm đoàn viên chiều 30 Tết mang ý nghĩa sum họp gia đình, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, các gia đình người Hoa còn tổ chức ăn cơm gặp mặt đầu năm mới với một món ăn đậm tính truyền thống, đó là món cải hầm gồm 7 loại cải được đem nấu chung với nhau. Trong bữa cơm đặc biệt ấy, ngoài việc thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau qua việc gắp thức ăn, nhường nhau miếng ngon, các thành viên trong gia đình còn chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, hoặc niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống...

Có thể nói, tục đón Tết cổ truyền của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu đã trở thành một nét đẹp đặc sắc về văn hóa và phản ánh sinh động về cái Tết đoàn viên.

anh-bai-tet-o-xu-co-cau-3.jpg
Thiếu nữ Khmer múa hát mừng năm mới

Đặc sắc Chôl Chnăm Thmây

Còn đối với người Khmer ở Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, Tết Chôl Chnăm Thmây chính là Tết lớn nhất trong năm của họ. Tết không có thời gian nhất định, mỗi năm mỗi ngày giờ khác nhau nhưng thường tổ chức đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) và kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày.

Những ngày này bà con tề tựu về chùa để làm lễ, dâng cơm cho sư, tụng kinh và tổ chức vui chơi những trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, bịt mắt bắt dê, ném chuông (ném coòng)…

Nhiều ghi chép viết rằng, trước đây người Khmer chỉ cày cấy một vụ nên tháng 12 mọi người vẫn còn tất bật với ruộng đồng. Tháng 4, gặt hái xong, thóc lúa đã đầy bồ, bà con có thể thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc. Hơn nữa, do tháng 4 là lúc giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa, khi đó, trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Và sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới.

Để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, từ nhiều tuần trước đó, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quần áo mới, bà con còn chuẩn bị các loại bánh trái như bánh tét, bánh ít, bánh gừng, hoa quả, nhang đèn để đem vào chùa dâng cúng Chư Phật, Chư Tăng, thánh thần… Nhưng quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống.

Trước Tết khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer đã tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới… Nhưng quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống. Thời điểm đó, mỗi ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.

Người Khmer vốn có truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời nhưng đặc điểm riêng biệt và độc đáo là mọi sinh hoạt văn hóa đều gắn bó với chùa chiền, tôn giáo đạo Phật. Hầu như tất cả các lễ hội lớn nhỏ trong năm đều được thực hiện tại ngôi chùa là chính. Trước Tết, Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.

Giờ giao thừa của Tết Chôl Chnăm Thmây không cố định vào lúc 0 giờ tiếp giáp giữa năm cũ và năm mới, mà luôn thay đổi hằng năm tùy vào quyển “Đại lịch” đã được các nhà thiên văn biên soạn. Tức là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được ấn định vào những thời điểm khác nhau theo từng năm. Có năm được ấn định vào lúc 13 giờ của ngày đầu tiên, có năm thì rơi vào ban đêm, có năm vào khoảng 9 hoặc 10 giờ của ngày thứ hai… Điều này là một nét riêng, phản ánh rất rõ về sắc thái văn hóa Khmer.

Theo truyền thống, gần đến thời khắc giao thừa, mọi nhà, kể cả tại các chùa sẽ bày các thứ lễ vật hoa quả, nhang đèn đặt trên một chiếc bàn ở ngay trước sân nhà để làm lễ tiễn Tevôđa cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng, Tevôđa chính là vị Chư Thiên ngự ở tầng trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian để chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết năm lại đưa các vị khác xuống thay thế.

Trong 3 ngày Tết, ngày thứ nhất (Chol Sangkran) người Khmer tổ chức Lễ rước đại lịch. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo lễ vật như nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ. Ngày thứ hai (Wonbơf) là Lễ dâng cơm và đắp núi cát… Ngày thứ ba (Lơm Săk) diễn ra Lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp cánh hoa thơm tắm cho Đức Phật, cùng với nghi thức đó, các nhà sư, chư tăng, phật tử thành tâm khấn nguyện cầu mong Đức Phật, chư thiên gia hộ cho mọi người được dồi dào sức khỏe, cuộc sống an lành, đạt được những điều ước nguyện.

anh-bai-tet-o-xu-co-cau-4.jpg
Trong mấy ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer thường đến chùa thắp hương, cầu khấn

Trong tất cả các tập tục thì Lễ tắm phật được xem là một nghi quan trọng nhất. Bởi đối với đồng bào Khmer, tắm Phật là việc làm cao đẹp, với ý nghĩa tự nguyện làm tốt cho mình, gội rửa điều xấu, điều ác trong tâm và mong cầu sự mát mẻ, an lành, hạnh phúc cho mọi người...

Theo thời gian, Bạc Liêu giờ đã qua rồi cái thuở cơ cầu cực nhọc như trong câu ca dao thuở trước. Đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, xã hội cũng biến thiên về nhiều mặt. Do vậy mà các nghi thức, lễ tiết trong những ngày lễ, tết của người Khmer, hay người Hoa, người Chăm ở đây đã có một số thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Nhưng phần lớn những phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được lưu giữ và truyền lại. Chính vì thế, nhiều nét văn hóa hết sức đặc sắc giữa trời Nam mới không bị phôi pha.

Gia Bảo