Xuân hy vọng, Tết yêu thương

Xã hội - Ngày đăng : 19:15, 11/02/2021

Đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử, có nền văn hóa phát triển, có lẽ cộng đồng người Chăm ở Việt Nam là một trong số ít những dân tộc bảo tồn được những tinh hoa văn hóa giữa cuộc sống đương đại.

Dẫu trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, song họ vẫn bảo lưu được rất nhiều phong tục, sinh hoạt văn hóa cổ xưa. Từ phương thức canh tác, cơ cấu tổ chức xã hội đến các tập tục truyền thống như cúng tế đền tháp, cưới hỏi, ma chay, chữ viết, đặc biệt là các lễ hội và cách đón mừng năm mới.

Xuân hy vọng

anh-bai-xuan-hy-vong-tet-yeu-thuong-4.jpg
Thiếu nữ Chăm rạng rỡ trong ngày Tết

Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỉ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên Vương quốc Chămpa. Hiện tại cư dân Chăm gồm có hai bộ phận chính. Một bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận, chủ yếu theo đạo Bàlamôn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Còn một bộ phận cư trú ở một số địa phương như Châu Ðốc - An Giang, Tây Ninh, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo).

Đối với người Chăm sống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thì Ramưwan (Ra ma đan) là Tết cổ truyền lớn nhất trong năm, cũng giống như Tết Nguyên đán của người Việt. Tết được tổ chức chính vào các ngày 30/2 và ngày 1, 2/3 theo Chăm lịch và kéo dài suốt một tháng. Đây là dịp để con cháu, những người còn sống hội tụ nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành; cầu nguyện và hy vọng cho làng xóm có một mùa Xuân, một năm mới được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, đất nước thái bình.

Do vậy, dù phải làm ăn xa và bận rộn mấy đi chăng nữa thì những người Chăm vẫn dành thời gian về quê để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên gia đình và người thân trong dịp Tết Ramưwan.

Vào những ngày này, nhà nào trong làng người Chăm cũng đông vui náo nhiệt, trẻ con chạy nhảy nô đùa tung tăng; đồ vật trong nhà, bếp, ngoài sân được sắp đặt gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ để đón khách. Trước ngày Tết Ramưwan, các bà, các chị, các mẹ chuẩn bị sắm quần áo mới cho đám nhỏ và quần áo lễ, đi chợ sắm lễ vật, xay bột làm bánh tét, bánh ít…

Tại sân chùa, các nam nữ thanh niên Chăm vui tươi và duyên dáng trong trang phục truyền rực rỡ sắc màu cùng nhau hát, múa đón mừng năm mới. Những điệu múa truyền thống hòa quyện với âm thanh độc đáo, đặc sắc của trống, kèn. Lúc thì réo rắt, lúc vui nhộn, rộn ràng.

Hướng về nguồn cội

anh-bai-xuan-hy-vong-tet-yeu-thuong-1.jpg
Bái lạy tổ tiên trong Lễ tảo mộ

Lễ tảo mộ là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan. Lễ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào ngày đầu tiên của Tết Ramưwan. Ngày tảo mộ, tất cả các tộc họ ở các làng Chăm đều đi đến nghĩa địa. Từ sáng sớm, các vị chức sắc mặc áo dài trắng có viền đỏ quấn khăn, đầu bịt khăn trắng có tua đỏ, mang theo hộp đồng có trầu cau têm sẵn, thuốc lá, nước thánh, trầm hương đến nghĩa địa để làm lễ vật cúng tế.

Các thành viên trong gia đình từ các cháu thiếu nhi đến người trưởng thành và người già trong gia đình mặc trang phục truyền thống đẹp và mới nhất đi tảo mộ. Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm: Trầu cau, thuốc, nước uống và nước thánh. Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ cho sạch đẹp. Mộ của người Chăm là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài rất đều đặn.

Khi vào lễ, các vị chức sắc làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ. Tiếp theo là đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, làm dấu ấn thánh khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho xóm làng và những người còn sống được yên bình hạnh phúc. Sau đó, lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ. Tiếp đó, mỗi người sẽ chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần sau khi hoàn tất phần lễ. Sau phần lễ, bên các phần mộ, các gia đình ngồi nói chuyện cùng nhau. Nhiều người còn khóc vì vẫn còn thương nhớ người đã khuất.

Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu đi tảo mộ ở xa, ngày thứ 2 tảo mộ ở những chỗ gần hơn và ngày thứ 3 tảo mộ ở nơi gần nhất. Lý do của “lịch trình” tảo mộ này là do người Chăm quan niệm, đi tảo mộ là để mời tổ tiên về ăn Tết. Ở xa, các ông bà tổ tiên đi lâu về đến nhà hơn nên phải tảo mộ trước, làm lễ mời trước. Đây là một phong tục rất quan trọng, một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp, tất cả đều vì tổ tiên và ông bà.

Chay trường suốt tháng

anh-bai-xuan-hy-vong-tet-yeu-thuong-2.jpg
Ăn chay trong Tháng Ramưwan

Sau lễ tảo mộ, người dân sẽ về nhà làm lễ cúng ông bà. Nhà nào cũng làm lễ cúng bằng mâm mặn và mâm ngọt. Con trai đi lấy vợ cũng mang lễ vật về nhà cúng vào dịp này. Khi mâm cúng được bày biện xong, thầy Char tụng kinh và cúng cho từng người trong gia đình, mỗi người cúng khoảng 10 phút. Sau phần cúng lễ, người Chăm Bàni tổ chức ăn uống tập trung tại các gia đình anh em họ hàng.

Sau phần lễ là phần hội. Tại các làng Chăm ở Ninh Thuận diễn ra nhiều hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa thanh niên của các làng. Các vị chức sắc tôn giáo nêu gương sáng trong tinh thần hòa hợp đạo giáo, vận động tín đồ đoàn kết, đùm bọc giúp nhau làm ăn.

Với truyền thống hiếu khách, người Chăm đón tiếp anh em bè bạn, đồng nghiệp, bà con gần xa đến chúc Tết rất chu đáo và niềm nở. Càng đông khách đến chúc Tết, bà con càng phấn khởi và coi đó là niềm tin vào một năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên, khỏe mạnh, hạnh phúc, con cháu học giỏi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Sau những ngày lễ hội vui tươi, các làng Chăm Bàni bước vào tháng tịnh chay Ramưwan trang nghiêm. Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bàni sinh hoạt tại thánh đường, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn. Các vị chức sắc đạo Bàni quan niệm, thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch. Các vị chức sắc chế ngự những ham muốn tầm thường, vận động tín đồ hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ.

Mỗi người Chăm Bàni đều dành thời gian đến thánh đường để tịnh tâm, tự suy ngẫm về những việc làm của mình trong một năm đã qua, tự đánh giá bản thân và xóa bỏ những tạp niệm để sống tốt hơn. Đồng thời, cầu mong tổ tiên độ trì cho một năm mới mọi chuyện được tốt lành.

Tháng Ramưwan của đồng bào Chăm là hoạt động tôn giáo mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Các vị chức sắc động viên tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các gia đình tộc họ đoàn kết giúp đỡ nhau làm ăn vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Có thể nói, Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, Tết Ramưwan, nhất là lễ tảo mộ của người Chăm thu hút nhiều khách tham quan du lịch, nhà nghiên cứu đến tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng này.

Tết yêu thương

Nếu như người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận có Tết Ramưwan thì người Chăm ở An Giang lại xem Tết Roya Haji, hay còn gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ, là dịp trọng đại của dân tộc mình. Tết yêu thương Roya Haji thường bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 Hồi lịch.

Vào dịp này, mọi người tạm gác lại công việc làm ăn, buôn bán, đến thánh đường hành lễ nhiều hơn để có nhiều ân phước. Các gia đình sửa soạn lại nhà cửa, trang trí đèn hoa rực rỡ để đón mừng lễ Roya Haji. Đặc biệt, các gia đình, tín đồ Muslim (người theo đạo Hồi Islam) khá giả sẽ thực hiện nghi thức Kurbal Bayram (lễ Hiến sinh), mua gia súc (bò, dê, cừu) mổ thịt để làm lễ, sau đó lấy thịt phân phát cho bà con trong làng để cùng chia sẻ niềm vui.

Từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất mà mình có. Sau khi kết thúc buổi lễ tại thánh đường, mọi người bắt tay, xin nhau tha thứ những gì phiền não trong năm. Đây là một nghĩa cử đẹp nhằm kết nối yêu thương, chia sẻ gian khó từ trong cộng đồng.

“Người Chăm có giận nhau đi chăng nữa thì cũng không quá 3 ngày, họ phải tìm nhau để xin lỗi, mong tha thứ cho nhau. Đây là một trong những nét đẹp của làng Chăm được duy trì đến ngày hôm nay…”, ông Sa Lây Mal, Phó Cả Thánh đường Jamiul Aman, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chia sẻ.

Còn ông Haji Jacky Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang khẳng định: “Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, cộng đồng người Chăm An Giang luôn tuyên truyền vận động bà con phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, đồng hành với dân tộc, thực hiện đúng giáo lý của đạo Hồi, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt kế hoạch của địa phương, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước”.

Ngoài phong tục ăn Tết Ramadam hay Tết yêu thương và nhiều lễ hội truyền thống khác, ngày nay, người Chăm ở các địa phương cũng tổ chức vui xuân, đón Tết Nguyên đán với người Kinh.

Giờ, mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, người Chăm cũng tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa để đón chào năm mới. Vào những ngày Tết, người Chăm cũng ăn uống, vui chơi và thăm hỏi người thân, bạn bè như người Kinh. Mặc dù Tết Nguyên đán không phải là Tết chính của họ, nhưng nhưng hòa vào không khí chung của dân tộc, giờ người Chăm lại có thêm một cái Tết nữa. Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã đi qua với những việc làm được, chưa được để năm tới phấn đấu hơn nữa.

Sau phần lễ lạt, thăm hỏi, chúc tụng, người Chăm thường tổ chức các hoạt động vui chơi, múa hát. Những ngày này, các nam thanh nữ tú tập trung tại tiểu thánh đường cùng nhau ca múa lên những giai điệu truyền thống của dân tộc mình hay tham gia các hoạt động sinh hoạt cồng đồng như đua nge, đá bóng…

Theo thời gian, dần dần Tết Nguyên đán đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng trong năm của người Chăm. Tết không chỉ đơn thuần là không khí sum họp gia đình mà còn là cái Tết chung của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em chung sống thuận hòa, nghĩa tình trên dải đất Việt Nam.

anh-bai-xuan-hy-vong-tet-yeu-thuong-3.jpg
Rước đồ tế lễ.

N.Hoàng