Ấm lòng “Tết đồng bào”

Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 13/02/2021

Nhớ lại những ngày tháng 10 của năm 2020, “khúc ruột” miền Trung liên tục chìm trong bão lũ. Nhiều gia đình bị cô lập, thiếu thốn lương thực; nỗi lo cơm áo, gạo tiền hiện hữu. Trước cảnh đau thương đó, người dân cả nước đã chung tay góp sức hướng về nơi đây với tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước.
49.-am-long-tet-dong-bao-3-.jpg
Hàng nghìn chiếc bánh đã được người dân chung tay thực hiện. Những nồi bánh đỏ lửa suốt đêm để nhanh chóng ủng hộ miền Trung

Xuyên đêm nấu bánh chưng gửi bà con vùng lũ

Chắc hẳn những hình ảnh lũ chồng lũ xảy ra ở miền Trung trong thời gian vừa qua, vẫn khiến nhiều người không thể quên. Hiếm thấy có đợt lũ nào diễn ra trên phạm vi rộng, ngập nặng nhiều địa phương như vậy. Đặc biệt, người dân 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề. Hàng vạn ngôi nhà bị ngập chìm trong biển nước, đồ dùng, lương thực, gia súc, gia cầm…đã bị nước lũ cuốn trôi.

Thế nhưng, trong những lúc khó khăn nhất, tinh thần đoàn kết dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tất cả đều hướng về miền Trung ruột thịt với cả tấm lòng, để cùng nhau chia sẻ phần nào những khó khăn mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Nước lũ dâng cao, ngập đến mái nhà, người dân đang trong cảnh đói và rét. Những thực phẩm chín sẵn sẽ thiết thực và dễ sử dụng khi nước sạch, chất đốt không có. Bánh chưng vừa nhiều dinh dưỡng, lại no lâu hơn so với mỳ tôm hay các đồ ăn liền, ăn sẵn khác. Đó là lý do người dân ở rất nhiều tỉnh thành đã hối hả cùng nhau gói bánh chưng để gửi về “khúc ruột miền Trung”.

Suốt nhiều ngày liền, người dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương...(Nghệ An) cùng chung tay góp nếp, góp thịt, góp lá, góp củi… để hoàn thành hàng nghìn chiếc bánh chưng, ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt. Chị Trịnh Thị Viết, Phó Chi hội phụ nữ xóm Yên Hội (xã Đô Thành, huyện Yên Thành) cho biết: “ Chiều ngày 19/10/2020, khi thấy thông tin trên mạng facebook với những hình ảnh ngập lụt hết sức đau thương, tôi đã chảy nước mắt. Ngay sau đó, tôi liền bày tỏ suy nghĩ với hai chị ở trong xóm cùng nhau kêu gọi mọi người gói bánh chưng để gửi vào các vùng đang bị lũ lụt”.

Sau thời gian kêu gọi nhân dân trong xóm về việc làm ý nghĩa này. Nhiều người liền chung tay góp công, góp của để cùng thực hiện “món quà” đặc biệt này. Bắt đầu từ 14 giờ, nhân dân xóm Yên Hội tập trung ở Nhà văn hóa để thực hiện gói bánh. Mỗi người mỗi việc để những chiếc bánh nghĩa tình được hoàn thành, ai nấy đều phấn khởi vui mừng, trong lòng cảm thấy ấm áp vô cùng.

“Vì số lượng bánh nhiều, cả xóm gói tới 22 giờ mà chưa xong. Sáng hôm sau, mọi người lại tiếp tục làm bánh với ước lượng là hơn 1.000 chiếc. Hoạt động này xuất phát từ tấm lòng của người dân trong xóm. Mọi người khi biết dự định của tôi thì rất khuyến khích, có người gửi gạo, gửi thịt, có người gửi tiền để nhờ mua thực phẩm và có những cô, bác, em... tự nguyện đến gói bánh, luộc bánh ngày đêm. Không khí cả làng chộn rộn gói bánh chưng như Tết Nguyên đán nhưng đây là Tết… của sự yêu thương”, chị Viết chia sẻ.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, người dân huyện Quỳnh Lưu, đã gói hàng nghìn bánh chưng gửi tới đồng bào miền Trung đang bị ngập lụt, cùng với hàng nghìn suất quà khác. Chị Phạm Hải Yến, Chủ tịch MTTQ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Với tấm lòng hướng về miền Trung ruột thịt “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, toàn huyện đã kêu gọi người dân trên địa bàn đóng góp vật chất lẫn tinh thần để sẻ chia cùng người dân vùng lũ. Cùng với tiền, hàng nghìn chiếc bánh chưng và các nhu yếu phẩm khác, đã được gửi đến người dân đang bị mưa lũ cô lập”.

Tại Nghệ An, từ vùng núi đến miền xuôi đâu đâu cũng có những người dân cùng nhau tham gia gói bánh, canh lửa luộc bánh chưng để kịp chi viện lương thực vùng lũ. Người thì gánh gạo nếp, người mang thịt, người mang đậu…tập trung ở UBND xã, trường học để cùng gói, nấu bánh mong đưa nhanh nhất những chiếc bánh nóng hổi đến với đồng bào bị lũ lụt.

Trong đêm 19/10, người dân các xã Thanh Dương, Đại Đồng (huyện Thanh Chương); xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp); các em học sinh và thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Nghệ An) đã thức thâu đêm khẩn trương gói và luộc bánh chưng để kịp gửi vào tiếp tế cho bà con vũng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Thầy Nguyễn Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, trong chiều tối và đêm 19/10, các cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường phối hợp một số đơn vị tổ chức gói bánh chưng ủng hộ bà con vùng lũ. Các em học sinh rất hào hứng tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, trường Nguyễn Cảnh Chân cũng đang vận động quyên góp tiền để gửi qua Công đoàn ngành ủng hộ người dân đang gặp thiên tai.

“Khoảng 4 giờ sáng ngày 20/10, các em học sinh và thầy cô giáo mới gói xong hơn 200 chiếc. Sau khi nấu chín, bánh chưng được một tổ chức thiện nguyện chuyển trực tiếp đến bà con vùng lũ để sẻ chia, động viên đồng bào trong lúc khó khăn này”, thầy Thuần chia sẻ thêm.

Ấm áp tình quân dân

Trong hai ngày 29 và 30/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 9. Nước trên các sông lên nhanh, một số địa phương bị ngập nặng, tính mạng và đời sống nhân dân bị đe dọa hơn bao giờ hết. Trước tình thế cấp bách trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã thực hiện “mệnh lệnh” từ trái tim là cứu dân.

Là địa bàn miền núi, tuy nhiên huyện Thanh Chương chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu bão số 9. “Rốn lũ” Thanh Mỹ chìm trong biển nước khiến người dân không kịp trở tay. Chỉ trong đêm 29 rạng sáng 30/10, cả biển nước trắng xóa bao trùm hết nhà cửa, xóm làng, hàng nghìn người dân kêu cứu trong đêm.

49.-am-long-tet-dong-bao-4-.jpg
49.-am-long-tet-dong-bao-5-.jpg
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng di dời người và tài sản giúp dân trong mưa lũ

Trong đêm 29/10, điện thoại về Ban Chỉ huy quân sự Thanh Chương liên tục đổ chuông, đầu dây bên kia là tiếng kêu cứu của người dân đang “ngàn cân treo sợi tóc” với dòng lũ dữ. Nhận chỉ đạo từ cấp trên và mệnh lệnh từ trái tim, ngay trong đêm tối, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Chương đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ cơ quan và dân quân tự vệ xuống các thôn xóm di dời, sơ tán nhân dân. Địa phương đã tổ chức di dời gần 2.000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Giữa biển nước mênh mông, với dòng nước cuồn cuộn, giữa cái đói và lạnh tê tái sau một ngày ngâm mình trong nước, nhưng cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự Thanh Chương vẫn luôn giữ vững tinh thần “ở đâu khó ở đó có tình quân dân”. Dường như mệnh lệnh cứu dân và sự bình yên của nhân dân đã lấn át mọi nỗi sợ hãi trong họ.

Suốt hai ngày liền, nhiều đồng chí chỉ ăn tạm nắm cơm vắt hay chiếc bánh mì khô khốc trong biển nước sơ tán người, di dời tài sản cho bà con. Nhiều đồng chí gia đình nằm trong vùng ngập lũ nhưng vẫn kiên cường cùng đồng đội giúp dân.

Ở huyện Hưng Nguyên, trong đêm tối người dân và lãnh đạo các xã Hưng Thành, Châu Nhân…liên tục gọi tới Ban Chỉ huy quân sự huyện. Ngay tức tốc, dưới sự chỉ huy của Thượng tá Nguyễn Văn Hướng, 30 cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự Hưng Nguyên cùng đội cứu hộ lên đường cứu dân. Trong màn mưa tầm tã, ánh sáng chưa đủ tầm nhìn, nhưng cán bộ, nhân viên đơn vị vẫn không nao núng.

Tiếp cận hiện trường, các anh nhanh chóng đưa người già, trẻ nhỏ lên thuyền sơ tán đến các trường học, UBND xã. Một bộ phận, đi đến từng nhà dân vận chuyển, kê kích tài sản, đồ dùng lên các khu vực khô ráo. Và cứ thế từ sáng ngày 29 đến chiều tối ngày 30/10, cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Hưng Nguyên đã sơ tán, di dời hơn 500 hộ dân đến nơi an toàn.

49.-am-long-tet-dong-bao-1-.jpg
49.-am-long-tet-dong-bao-2-.jpg
Người dân TP. Vinh và huyện Quỳnh Lưu tham gia gói bánh chưng hướng về miền Trung

Tại TP. Vinh, sáng ngày 30/10 nhiều tuyến phố ngập nặng, các phương tiện không thể lưu thông, ùn tắc đe dọa đến tính mạng, tài sản nhiều gia đình. Ở phường Bến Thủy bị ngập nặng nhất trong TP, có nơi nước ngập hơn 2 m. Việc cứu dân và di dời tài sản giúp dân lúc này là hết sức cấp bách. Lữ đoàn Vận tải Thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4 huy động 100 cán bộ, chiến sĩ sử dụng xuồng máy nhanh chóng tiếp cận những nhà dân bị ngập sâu, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Cùng với tình trạng ngập lụt ở các huyện hạ du, các địa phương miền núi Nghệ An cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất đe dọa hàng nghìn hộ dân. Thêm một lần nữa, nhận mệnh lệnh từ chỉ huy, các chiến sỹ bộ đội biên phòng lại xuống với dân, giúp dân trong những lúc khó khăn nhất.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, không ngại hiểm nguy, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các bán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu thực sự là những tấm gương bộ đội cụ Hồ trước đồng bào.

Trong khó khăn, đồng bào cả nước đều nắm tay giúp sức để “khúc ruột miền Trung” sớm vượt qua “đại hồng thủy”. Người dân, đất nước Việt Nam luôn sáng ngời vẻ đẹp nhân văn, tinh thần đoàn kết dân tộc, lối sống nhân đạo nghĩa tình. Chắc chắn rằng, sau cơn mưa trời sẽ sáng.

Đức Chung