Hành trình giải oan cho hai mẹ con bị ruồng bỏ
Pháp luật - Ngày đăng : 15:18, 10/02/2021
Một chiều cuối năm, tiếp chúng tôi tại Công ty TNHH Tôi yêu Luật, Luật sư Giang Văn Quyết pha vội ấm trà, đôi mắt ánh lên sự suy tư lật giở những bức hình, hồ sơ vụ án kể câu chuyện hành trình “giải oan” cho hai mẹ con bị ruồng bỏ:
Mối tình 5 năm và cái kết đắng ngắt
Đó là câu chuyện của Thanh* một cô gái còn rất trẻ nhưng mang trong mình những nỗi niềm u uất về mối tình gần 5 năm với một chàng trai học Bách Khoa. Thanh kể: Chúng em đã chụp ảnh cưới, hai bên gia đình đã nói chuyện, hẹn ngày, lúc đấy em mang bầu bé Vân Anh nhưng Công (tên người con trai) đã ruồng bỏ mẹ con em một cách tàn nhẫn. Thậm chí, sau khi hủy hôn, em phải thuê trọ, vượt cạn một mình. Nghĩ lại những ngày tháng tủi nhục ấy, em vẫn không thể tin nổi là mình có thể vượt qua được.
Sau khi đám cưới bị hủy, biết con gái mang thai, với suy nghĩ có phần phong kiến, mẹ của Thanh đã đánh mắng Thanh thậm tệ, đuổi Thanh ra khỏi nhà. Bà không chịu được cảnh đứa con gái bà nuôi từ bé đến lớn, bao nhiêu công cho ăn học đàng hoàng, giờ bỗng dưng không chồng mà chửa.
Thanh nói: Có lúc em đã nghĩ đến cái chết. Cũng có lúc em nghĩ hay là bỏ đứa trẻ. Đời mình con dài. Nhưng khi đi khám bác sĩ, thấy đứa trẻ đã có tim thai, em lại không nỡ, bỏ đi. Đứa bé có tội gì đâu.
Thanh bỏ nhà ra thuê trọ, và cũng bỏ công việc ở công ty vì đó cũng chính là công ty nơi Công làm việc. Một mình cô gái trẻ, với cái bụng ngày càng to một mình lăn lộn kiếm được công việc làm thêm đủ để chờ ngày sinh nở.
Nghề luật sư: cảm nhận và chia sẻ
Hơn 3 năm sau lần vượt cạn một mình, khi cháu Vân Anh đã bập bẹ những tiếng “mẹ ơi, bố con ở đâu?’, người mẹ trẻ mới quyết định đi tìm công lý cho con, bắt ông bố tồi phải thực hiện trách nhiệm làm cha, cấp dưỡng cho bé Vân Anh.
Nếu không có chúng tôi tư vấn về mặt pháp luật, có lẽ Thanh sẽ không bao giờ nhắc đến người đàn ông bội bạc ấy. Bởi theo Thanh những lúc khó khăn, cơ cực nhất thì Công - bố đứa trẻ đã không một lời hỏi han, chu cấp, thậm chí Công cũng không nhận mặt con.
Vào buổi chiều tháng 8/2020, chúng tôi gặp Công tại một quán cafe giữa thành phố Hưng Yên. Sau khi đề cập đến chuyện Công có một đứa con với Thanh và hỏi lý do tại sao không chịu nhận con và thực hiện trách nhiệm của một người cha, Công ráo hoảnh đáp: “Khi nào có kết quả AND thì em mới nhận”. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề về việc hợp tác, cũng là cách để Công tìm lại con của chính mình thì Công từ chối.
Đứng trước người đàn ông từ chối giám định ADN để nhận con, chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải đi tìm công lý cho đứa trẻ. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng đứa trẻ không có lỗi trong chuyện tình của những người lớn, đứa bé chí ít cũng cần được hưởng thứ quyền mà vốn lẽ cháu cần được hưởng: Đó là nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng của người cha.
Khi lần đầu nộp đơn yêu cầu công nhận cha con đến Tòa án, cán bộ tòa án cũng lắc đầu, bởi giữa Công và cháu Vân Anh không có mối liên hệ nào để tòa làm căn cứ thụ lý vụ án. Công và Thanh cũng chưa từng tổ chức đám cưới hay làm đăng ký kết hôn.
Câu chuyện ngỡ tưởng đã vào ngõ cụt, thì bất ngờ sau nhiều nỗ lực thu thập chứng lý, chúng tôi tìm lại được nhiều tin nhắn giữa Công và Thanh cách đây hơn 3 năm, những bức ảnh cưới chụp trước ngày huỷ hôn...Ngay lập tức, các tài liệu mới được gửi đến cho Tòa án làm căn cứ theo quy định pháp luật.
Rất nhanh chóng, Tòa án đã thụ lý vụ án xác nhận cha con, và Công không thể phủ nhận từng có quan hệ tình cảm, sinh lý với Thanh, đành hợp tác đi xét nghiệm ADN. Thế nhưng, ngay cả khi đã nhìn thấy đứa trẻ trước mắt mình, Công vẫn giữ ánh mắt ráo hoảnh. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, chưa bao giờ chúng tôi thấy người đàn ông ấy có một lời hỏi thăm đến đứa trẻ.
Ám ảnh đứa bé trong phòng xét nghiệm AND
Vào một buổi sáng giá lạnh mùa đông năm 2020, chúng tôi có mặt rất sớm tại phòng lấy mẫu xét nghiệm AND (thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Công An) để hỗ trợ mẹ đứa trẻ.
Vân Anh hôm nay vẫn hồn nhiên, kháu khỉnh. Lần đầu tiên Vân Anh gặp ba của mình lại là một ngày rất đặc biệt, ngày đi xét nghiệm AND. Nhưng như có một cái gì đó mách bảo, đứa bé cứ nhìn chằm chằm vào Công không rời mắt, dù chắc chắn cháu không thể biết rằng người đàn ông ấy đã bỏ rơi mẹ con cháu suốt ba năm qua.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng diễn ra nhanh chóng, Công rời khỏi phòng lấy mấu mà không nói một lời nào với bé Vân Anh. Khi Công rời đi bé cứ nhìn với theo như luyến tiếc một điều gì đó. Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mặt ấy của bé. Và cũng tự hỏi, tại sao Công có thể lạnh lùng đến vậy.
Kết quả giám định cho thấy Công chính là cha ruột của bé Vân Anh. Trước những bằng chứng khoa học, Công buộc phải thừa nhận sẽ cấp dưỡng cho bé Vân Anh đến khi cháu đủ 18 tuổi.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi