Người tấu lên vũ khúc của đại ngàn
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:29, 10/02/2021
Biểu tượng văn hóa
Trên cao nguyên bazan hùng vĩ, có biết bao điều huyền diệu. Dẫu chỉ giản đơn là một tiếng gió về qua nóc nhà R ông, tiếng thác Đăm ri ồn ào đưa nước bạc hay một tiếng T ơ rưng, một nhịp đàn đá, một bước voi đi uy lẫm giữa đại ngàn, thì đó chính là những thanh âm riêng có của đất trời Tây Nguyên hội tụ.
Giữa không gian ngập tràn tiếng nhạc trời xao xuyến ấy, có một thứ thanh âm riêng biệt , tuyệt không thể lẫn vào đâu được. Chỉ cần nghe văng vẳng đâu đó tiếng vọng ngân của nó vút lên giữa núi rừng là biết ngay nơi ấy, làng ấy có sự kiện gì. Đó chính là tiếng cồng âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; là tiếng chiêng mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng; là tiếng tù và rúc lên giữa bao la trời đất; và là nhịp xoang rộn ràng mang hơi thở của mỗi buôn làng.
Mỗi khi có lễ hội cồng chiêng, khắp đất trời Tây Nguyên như nghiêng ngả. Lúc ngọn lửa bập bùng được tấu lên, cũng là lúc lễ hội chính thức được bắt đầu. Các điệu nhảy, các màn múa chiêng, múa trống được các nghệ nhân, vũ công trình diễn một cách đắm say, nguyên thủy và hoang sơ nhất. Chỉ cần tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò hú cất lên, ta nghe như tiếng thác đổ ầm ào dội vào từ ghềnh đá, như tiếng mưa thống thiết ngoài thung, nhưng cũng có lúc mơ màng như tiếng chong chóng quay ngoài cao nguyên lộng gió với biền biệt hoa cúc quỳ nở rộ.
Trong mỗi đêm xoang, hàng trăm cánh tay nắm vào nhau nối rộng dài ra mãi. Các thiếu nữ người Bana, Ê – Đê, Brâu ... áo ló vai trần khoe các đường cong kín hở sau làn váy quấn nhún nhẩy, mắt lúng liếng tươi mơn, má căng đỏ vì rượu, vì chiêng, vì lửa và vì nhiều thứ nữa. Tiếng cồng chiêng rộn ràng, tiếng hò reo ngân khiến cho “những con dúi lười còn ngủ quên dưới gốc le cũng phải giật mình ngơ ngác ” , “ làm con cá ngoài suối cũng phải ngừng bơi lội tung tăng”. Không hề mang nặng tính biểu diễn, không điệu đà, từ tiếng hát, tiếng hò hú đến những bước nhảy giản dị, lặp đi lặp lại vài động tác, nhưng “những diễn viên không chuyên” ấy, bằng sự hồn nhiên trong trẻo của mình, đã biến đêm hội cồng chiêng trở nên lung linh, huyền ảo và đắm say hơn bao giờ hết.
Những người đàn ông hôm qua còn còng lưng làm đất, chăm sóc cây rừng thì hôm nay, lúc này, trong nhịp chiêng xoang, họ là những diễn viên thực thụ. Những người phụ nữ hôm qua còn cặm cụi hái măng, tra lúa, người đầm đìa mồ hôi thì giờ đây cồng chiêng đã phủ lên họ một thứ ánh sáng rộn ràng, mê hoặc khác. Những cánh tay mềm mại, những vai trần, bắp đùi lóng lánh, những đôi mắt long lanh, cái long lanh, ngây thơ tinh khiết của kẻ chưa nếm chút bụi trần... Họ đẹp, đẹp tựa như ánh mặt trời. Người già nghe chiêng thì hồi tưởng lại quãng đời oanh liệt đã qua ; trung niên vui múa, vui hát cho thỏa chí tang bồng ; còn trai gái nhờ tiếng chiêng, cần rượu mà thầm thì hẹn ước...
Những chàng trai Ê đê, những cô gái Ba na, họ cứ nhảy, họ cứ múa và họ cứ hát , n hững bài hát của dân tộc mình được cha ông truyền lại từ nghìn đời trước, bất chấp ngoài kia đô hội, bất chấp ngoài kia tiếng điện thoại, tiếng còi xe vẫn mải miết rúc lên. Tiếng hát của họ khi thì rì rầm như nước suối, lúc ồn ào , rầm rập như bước chân voi, chân ngựa, nhưng cũng có lúc chấp chới như cánh bướm ngoài rừng. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng nổ lép bép từ củi lửa dường như có một sức mạnh ma mị, vô hình nào đấy đã ngăn đẩy những xô bồ phố thị, không cho chúng chạm vào cái khối nguyên chất, hoang sơ, cổ xưa, thô nhám trong mỗi “diễn viên”, mỗi “vũ công” đang say mê trình diễn các “vũ điệu của núi rừng” kia. Họ cứ nhảy, họ cứ múa, và họ cứ hát...
Dường như tiếng cồng, chiêng, tiếng réo rắt của các nhạc cụ truyền thống của vùng đất cao nguyên này đã thổi đẩy những nghệ sỹ quê mùa, lam lũ kia bay đi khắp nhân gian, phủ lên họ một thứ ánh sáng rộn ràng khác, khiến ta không còn nhận ra họ nữa . Song, chính lúc đó, họ mới đích thị là họ nhất. Lúc đó, họ tài hoa và hào hoa như vốn có. Lúc đó, họ giống như những đứa con kiêu hãnh của núi rừng.
“Báu vật sống của đại ngàn”
Thế nhưng, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, cổ xưa khác, trong cuộc va đập đến nghiệt ngã với thị trường giải trí vàng thau lẫn lộn, đã có lúc cồng chiêng Tây Nguyên chấp chới, đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng rất may vẫn còn có nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ thao thức, đắm đuối, trăn trở với cồng chiêng, như nghệ nhân Thao Long, nghệ nhân A Lang, nghệ nhân A In và đặc biệt là nghệ nhân A Biu (SN 1958, dân tộc Ba Na, ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Họ không tiếc sức mình, ngày đêm dốc sức gìn giữ, bảo tồn để văn hóa cồng chiêng cũng như những “vũ khúc của đại ngàn” không bị lãng phai đi.
Đối với người dân trên vùng đất bazan này, n ghệ nhân A Biu chả khác gì “báu vật sống của đại ngàn”, là linh hồn của cồng chiêng Tây Nguyên. Không chỉ là một nghệ nhân ròn chiêng lão luyện, ông còn có khả năng chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Và ông cũng là một trong số ít “nghệ nhân chân đất” đã từng mang các bộ chiêng cổ cha ông để lại từ mấy trăm năm trước đi biểu diễn khắp dọc dài đất nước .
Chơi và chế tác các nhạc cụ, với A Biu , là một nhu cầu như cơm ăn nước uống, là cái gì đó hẳn nhiên như máu nóng chảy dưới da mềm. Đến giờ, A Biu cũng chẳng nhớ mình đã đi bao nơi , đã tấu lên bao nhiêu giai điệu nguyên sơ tối cổ của đại ngàn Tây Nguyên, chỉ biết rằng, sau khi được chiêm ngưỡng không gian văn hóa cồng chiêng quyến rũ đến ngỡ ngàng ấy, thế giới đã phải công nhận đây là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ khi còn là một cậu bé có cái chân biết đi kiếm măng le, cái miệng biết hát lời chim Chơ rao, tối về cầm sừng trâu chiêu nước vào trong bình rượu cần phục vụ các cụ trong buôn; từ lúc tự thấy mình là người đàn ông vâm váp, chạy ngược chạy xuôi mổ lợn, giết trâu, hiếu động gõ chiêng ào ào trong các đám ma tràn ngập rượu, A Biu đã được sống trong không gian đắm say và linh thiêng của cồng chiêng, của các nhạc cụ giản dị mà nhiệm màu. Cứ gõ mãi, gõ mãi, bị các cụ mắng cho tơi bời vì tay lóng ngóng như rễ cây, tai ù đặc như phiến đá , nhưng A Biu vẫn chỉ cười trừ .
Cứ thế, những thanh âm của cồng chiêng ngấm vào A Biu cũng như ngấm vào các chàng trai Tây Nguyên hào sảng yêu ca hát nhảy múa khác, từ mỗi đêm nổi lửa, từ mỗi ngày chăm sóc hũ rượu cần cho bề trên, từ khi thúc tiếng chiêng lên mừng một sinh linh ra đời hay khóc thương một người già hết cõi.
Chỉ cần tay A Biu lướt nhẹ trên những núm chiêng, người nghe đã có thể thấy núi rừng, suối thác của Tây Nguyên ầm ào đến rất gần. Chỉ cần quả bầu, dăm ba ống nứa cùng vài vật dụng đơn sơ khác, A Biu đã có thể chế tác thành một loại nhạc cụ rồi thổi cái tài hoa của mình vào đó khiến nó ngân lên những âm thanh, giai điệu đầy mê dụ. Mỗi tiếng cồng, tiếng chiêng hay tiếng kèn biến hóa như ảo thuật của A Biu đều mang tải những lớp lang văn hóa của một tộc người quý giá. ..
Cả đời đắm đuối với cồng chiêng
Nghệ nhân A Biu bảo, t ừ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Hơn nữa, cồng chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc, trong các buôn làng trên mảnh đất bazan. Trong mỗi nhịp chiêng hay mỗi điệu cồng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp. ..
Chính vì lo sợ văn hóa cổ truyền bị phôi pha nên t ừ nhiều năm nay, nghệ nhân A Biu đã âm thầm đi đến làng trên xóm dưới, tới các trường học để truyền dạy cồng chiêng. Ông là 1 trong 3 nghệ nhân nhận lời truyền dạy diễn tấu cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Tây Nguyên. Dẫu tuổi cao sức yếu, song có những khoảng thời gian cứ cuối tuần, A Biu lại bắt xe khách từ Kon Tum qua Đắk Lắk để đứng lớp. Cứ thế, tháng này qua năm khác, số học trò được ông truyền dạy lên đến hàng nghìn. Trong số đó có rất nhiều người trở thành những tay ròn chiêng lão luyện đến từ nhiều dân tộc khác nhau.
Có những thời điểm, khắp các buôn làng Tây Nguyên đều có bóng dáng của những người chuyên săn đồ cổ. Thấy vậy, nghệ nhân A Biu lại lặn lội đến từng phum sóc, vào từng nhà vận động người dân không vì cái lợi trước mắt mà bán đi những chiếc cồng, chiếc chiêng cổ mà cha ông để lại. Khi gặp những chiếc cồng, chiêng bị hư hỏng, ông lại kỳ cụi sửa chữa giúp mà không hề toan tính...
Khoảng chục năm trở lại đây, ngôi nhà của nghệ nhân A Biu ở làng Plei Klech trở thành điểm sinh hoạt, hội tụ của nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ cũng như du khách, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. Họ đến đây để vừa được giao lưu, học hỏi, vừa được thưởng thức, chiêm nghiệm một miền văn hóa cổ sơ của Tây Nguyên đích thực .
Thỉnh thoảng hứng lên, A Biu lại cùng những người bạn của mình còn tổ chức trình diễn cồng chiêng. Bên ánh lửa bập bùng, những vòng xoang lúc nhịp nhàng, khoan thai, lúc rộn ràng, cuồng nhiệt. Còn tiếng chiêng , khi thì trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, khi thì vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao . Nhưng cũng có lúc đổ dồn như nước reo, lửa cháy, như tiếng sấm rền trong những cơn giông đầu hạ. Dường như, khi đã hòa mình vào không gian đắm say và linh thiêng của cồng chiêng, thì cũng là lúc những sắc dân của vùng đất bazan như A Biu tự tin và hào sảng nhất. Bản sắc ấy, niềm tin ấy, ở đâu và thời đại nào cũng luôn là một giá trị đầy kiêu hãnh.