Cú đề-pa của bóng đá Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 22:42, 08/02/2021
V League – Từ ngỡ ngàng đến thán phục
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lây lan một cách chóng mặt trên toàn cầu. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia bị tác động và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bóng đá như một lẽ tất yếu bị cuốn vào cơn cuồng quay đó. Một năm thất thường của bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Thế nhưng sau tất cả, khi mà các nền bóng đá trên khắp thế giới vẫn còn đang oằn mình bởi Covid-19, bóng đá Việt Nam vẫn lăn đều đặn bằng những điều thần kỳ trong sự ngỡ ngàng và cảm phục của bạn bè năm châu.
Tháng 4, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam, hàng loạt những giải đấu lớn trong nước như V-League, giải hạng Nhất đã đồng loạt tạm dừng. Các họat động của môn thể thao vua được yêu cầu hoãn lại để nghe ngóng. Thế nhưng, trong quá trình các giải đấu tạm thời “off”, những nhà tổ chức của VPF vẫn tiến hành đều đặn các cuộc trao đổi, họp online nhằm tìm ra những phương án phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện tại. Theo đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các giải đấu sẽ được phép quay trở lại và áp dụng thể thức thi đấu mới: Sau khi kết thúc giai đoạn 1, các đội sẽ tách làm hai nhóm. Nhóm các đội đứng đầu sẽ tiến hành đá để đua vô địch, nhóm còn lại sẽ đá với nhau để tranh suất trụ hạng. Đây là phương án được xem là khả dĩ nhất thời điểm đó, đảm bảo được tính cạnh tranh và công bằng cho tất cả các đội tham dự.
Cuối tháng 7/2020, dịch bệnh nhen nhóm và bùng phát trở lại. Thêm một lần nữa, V League và giải hạng Nhất phải tạm hoãn để phục vụ công tác chống dịch. Thời điểm đó, rất nhiều ý kiến cả giới trong lẫn ngoài chuyên môn đã lên tiếng cho rằng nên hủy kết quả của mùa giải 2020. Thế nhưng VPF và hầu hết các CLB đều kiên nhẫn chờ đợi, “ém” mình để chờ ngày dịch bệnh được kiểm soát sẽ quay lại thi đấu tiếp. Sau cùng, mọi thứ dường như đúng với dự tính. Dịch bệnh thêm một lần nữa cơ bản được kiểm soát và V League lại rục rịch trở lại. Cuối mùa giải, cuộc đua vô địch, đua trụ hạng vẫn diễn ra vô cùng kịch tính.
Ngày V League hạ màn, truyền thông thế giới đổ dồn về Việt Nam khi mà các giải bóng đá chuyên nghiệp ở đây trở thành giải đấu hiếm hoi trên thế giới cho phép khán giả vào sân trở lại. Dĩ nhiên người ta thấy kỳ lạ, thấy ngỡ ngàng bởi trên khắp các sân cỏ thế giới vẫn chỉ đang tổ chức các trận đấu trên sân vắng cùng những quy định ngặt nghèo về kiểm tra y tế. Do đó, những bản tin, những hình ảnh sôi động của cầu trường Việt Nam trở thành vấn đề rất được quan tâm của giới túc cầu. Chưa khi nào một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam được ngợi khen, đưa tin liên tục, ca tụng bằng nhiều mỹ từ đến thế. Đương nhiên song song với đó cũng là hình ảnh của một Việt Nam lung linh và an toàn giữa buổi nhốn nhào của đại dịch.
Nhiều nhà báo danh tiếng ở châu Âu gọi việc V League cho khán giả vào sân cổ vũ nhưng vẫn bảo đảm an toàn là một phép màu thời hiện đại, họ gọi Việt Nam là lá cờ đầu trong công cuộc chống dịch của thế giới, một niềm tự hào thực sự.
Chạy đà cho những trận đánh lớn
Năm 2020 là một năm bất bình thường. Các giải đấu lớn ở Việt Nam như V League, giải hạng Nhất, cúp Quốc gia “dăm phen bảy phen” bị hoãn vì Covid-19. Thế nhưng các giải đấu ở cấp độ trẻ vẫn được diễn ra đều đặn và tất nhiên là được bảo đảm tuyệt đối về khâu an toàn. Đây là những giải đấu được phát triển trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia và là tiền đề để tạo nên những lứa cầu thủ trẻ trung, triển vọng cho bóng đá nước nhà.
Không chỉ có thế, các giải đấu Futsal VĐQG hay Cúp QG vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch đã định một cách nghiêm túc và công bằng như thường lệ. Điều này dường như là minh chứng cho việc bóng đá Việt Nam vẫn “sống rất khỏe” bất chấp đại dịch đang hoành hành. Tuy rằng vẫn còn đó những khó khăn từ quỹ thời gian tổ chức eo hẹp hay “cân đong đo đếm” chuyện có cho khán giả vào sân trở lại hay không. Thế nhưng sau cùng, mọi thứ đều ổn và không có cú “sảy chân” đáng tiếc nào.
Ngoài ra, việc các giải đấu quốc tế mà Việt Nam tham dự như AFF Cup, VL World Cup 2022 bị dời sang năm tới cũng ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện cũng như hội quân của Đội tuyển Quốc gia, Đội tuyển U22. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo vẫn có được những đợt tập trung vô cùng quý giá để từ đó đánh giá, sàng lọc những nhân tố phù hợp nhất để chuẩn bị cho những cuộc đánh lớn vào năm tới.
“Năm 2020 có quá nhiều biến động, các ĐTQG không thể thi đấu các giải quốc tế nhưng các đợt tập trung, thi đấu giao hữu đã giúp ích cho BHL rất nhiều để từ đó chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho các giải đấu quan trọng năm 2021. Qua các đợt tập trung, chúng tôi đã thu được khá nhiều tư liệu quý giá để từ đó có sự đánh giá, lên sẵn các phương án, chỉnh sửa cho các ĐTQG. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thổi sự mới mẻ cho đội tuyển”, HLV Park Hang Seo cho biết.
Có thể đại dịch Covid-19 như một cơn bão càn quét hầu khắp đến các vấn đề, lĩnh vực trong xã hội. Thế nhưng bóng đá Việt Nam với sự chủ động trong việc lên các phương án ứng phó phù hợp trong từng giai đoạn đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong năm 2020 đầy rẫy những biến động.
Đúng thế, bóng đá Việt Nam vừa mới bước qua một hành trình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Một năm mà thể thao thế giới nói chung, bóng đá nói riêng bị đóng băng và tê liệt thì việc bóng đá Việt Nam nổi lên như một ngọn đuốc khiến tất cả thế giới phải ngỡ ngàng. Sẽ là không quá khi nói rằng, bóng đá là nơi mà người Việt Nam nhìn vào đó để phản ánh sự thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bóng đá là lãnh địa để người Việt Nam thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm trong việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra một cách an toàn.
2020 đã khép lại, giờ là lúc những người làm bóng đá tính chuyện của năm 2021. Covid-19 vẫn đang là cơn đau đầu và là nỗi khiếp hãi của toàn thế giới. Tác động, ảnh hưởng của đại dịch này chắc chắn vẫn sẽ còn và việc chúng ta có thể sớm quay trở lại với những tháng ngày cũ vẫn đang là thứ gì đó thực sự xa xỉ. Có thể sẽ có những kịch bản không mong muốn bắt nguồn từ đại dịch vốn tiềm ẩn mối nguy hại này. Bóng đá thế giới đã nhiều phen “đứng tim” vì Covid và đó là bài học để bóng đá Việt Nam tiếp thu, ghi nhận, tính toán để có được phương án phù hợp nhất.
Cuộc chiến bây giờ mới thực sự bắt đầu và Việt Nam cần chứng tỏ mình là một lá cờ đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, cùng với đó là đưa bóng đá bước vào trạng thái bình thường mới như cách nó từng tồn tại.
Bởi đơn giản, bóng đá và cuộc sống là hai thứ vốn không thể tách rời.