Cần tháo gỡ những khó khăn trong giải phóng mặt bằng cho Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 17:00, 03/02/2021
Công trình xây dựng trái phép trên đất dự án
Như đã thông tin trong bài viết: “Hà Nội, Doanh nghiệp kêu cứu vì khó khăn trong thực hiện dự án” đăng tải ngày 03/12/2020, thông tin về những khó khăn của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Theo đó, ngày 15/10/2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7019/QĐ-UBND, quyết định về việc thu hồi 216.110m2 tại phường Dịch Vọng và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy do UBND các phường quản lý và tạm giao diện tích đất thu hồi cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Từ Liêm (nay là Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm) để điều tra, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Dịch Vọng (KĐTM Dịch Vọng).
Năm 2003, UBND quận Cầu Giấy đã lập phương án tổng hợp bồi thường thiệt hại về đất nông nghiệp, cây cối hoa màu, công trình của các hộ gia đình, tổ chức phải di chuyển giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án KĐTM Dịch Vọng (đợt 1), phường Yên Hòa. Theo phương án, có 25 hộ gia đình với tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng đợt 1 là 21.642,2m2, tổng giá trị phương án bồi thường hỗ trợ đợt 1 là 3.838.933.400 đồng.
Đến ngày 24/5/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3213/QĐ-UB, thu hồi 216.100m2 đất do UBND phường quản lý, sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp và giao cho Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm để đầu tư xây dựng KĐTM Dịch Vọng, dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 2738/QĐ-UB ngày 19/05/2003.
Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi đất và giao cho Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm từ năm 2004
Sau khi dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, ban hành quyết định thu hồi đất, Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đã phối hợp cùng UBND quận Cầu Giấy và chính quyền địa phương thực hiện bồi thường theo đúng phương án được phê duyệt. Có 25 hộ thuộc diện giải tỏa, bồi thường, phía chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường cho 24 hộ, còn hộ ông Nguyễn Văn Liên có 2.166m2 đất nhưng không chịu nhận bồi thường, sau nhiều lần thuyết phục, vận động thì đến ngày 05/08/2020, hộ ông Liên đã nhận bồi thường và ký biên bản bàn giao mặt bằng.
Đại diện Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm cho biết, quá trình thực hiện dự án đã phát sinh trường hợp ông Nguyễn Đức Thành và một số người dân có giấy tờ mua bán đất với hộ ông Liên. Theo hồ sơ cho thấy, các giấy tờ mua bán này đều là giấy tờ viết tay, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trên khu đất cũng đã hình thành một số căn nhà được xây dựng trái phép. Các hộ này không chịu di dời và đòi bồi thường với giá “trên trời”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Anh – Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, trường hợp ông Nguyễn Đức Thành và một số hộ dân mua bán đất với ông Liên đều không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Hơn nữa, tại sổ bộ của phường và trong phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cũng không có tên ông Thành và một số hộ khác. Các hộ này không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định.
Căn cứ hồ sơ vụ việc và khẳng định từ phía chính quyền địa phương cho thấy, khu đất mà Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đã có quy hoạch từ năm 2001, có quyết định thu hồi đất từ năm 2003, 2004 và doanh nghiệp cũng đã hoàn thành việc thỏa thuận bồi thường theo đúng quy định của pháp luật thế nhưng nghịch lý là không thể triển khai được dự án do vướng hộ ông Nguyễn Đức Thành cùng một số hộ khác có giấy tờ mua bán đất viết tay và xây dựng các công trình trái phép trên đất dự án.
Công trình xây dựng trái phép trên đất dự án đang cản trở doanh nghiệp thực hiện dự án khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn
“Vấn đề tồn tại rất lâu, doanh nghiệp rất bức xúc, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành dự án thế nhưng lại bị hộ ông Thành và một số hộ gây khó khăn, cản trở, cố tình làm khó doanh nghiệp khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nếu không tháo gỡ, giúp đỡ thì không biết bao giờ chúng tôi mới thực hiện được dự án và những thiệt hại cho doanh nghiệp ngày càng lớn”, đại diện Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm nói.
Trao đổi về vấn đề nói trên, Luật sư Dương Thị Tới – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, pháp luật đã có quy định rất rõ về việc giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Theo hồ sơ pháp lý cho thấy, các hộ mua bán giấy tay, xây nhà trái phép trên đất dự án, đất đã bị thu hồi sẽ không đủ điều kiện bồi thường.
“Việc xây dựng nhà, công trình trái phép trên đất dự án thì chính quyền địa phương và quận Cầu Giấy cần thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cụ thể là áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP, xử lý và cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất dự án từ đó bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp thực hiện dự án”, Luật sư Dương Thị Tới nói.
Chính quyền địa phương và UBND quận Cầu Giấy cần nhanh chóng xử lý các công trình xây dựng trái phép để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án
Qua sự việc cho thấy Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm thực hiện dự án đúng theo quy định, quy trình của pháp luật và hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn không thể triển khai dự án khi vướng mắc một số công trình xây dựng không phép thì chính quyền địa phương, UBND quận Cầu Giấy, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Cầu Giấy cần vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là kiến tạo, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, người dân.