Bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, hàng phục vụ Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 14:54, 01/02/2021

Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết.
rau-qua.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Đó là vấn đề được Bộ Công Thương nhấn mạnh trong Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Các chuỗi siêu thị lớn về tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19.

Theo như công điện, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để kịp thời triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.

Trong mọi tình huống và phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống phân phối, đặc biệt đang vào dịp cao điểm mua sắm hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương, các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước triển khai một số nhiệm vụ sau:

Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.

Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ Tết; vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh.

Đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly; có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

Chỉ đạo các đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo chỉ đạo tại Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng và Công văn số 10218/BCT-TTTN ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc triển khai bản đồ chung sống an toàn Covid-19.

Phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Bộ Công thương cũng nhấn mạnh đối với các chuỗi siêu thị lớn: Có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.

Phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng hàng hóa liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.

Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo chỉ đạo tại Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng và Công văn số 10218/BCT-TTTN ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc triển khai bản đồ chung sống an toàn Covid-19.

Anh Tuấn