Dự thảo Luật Giá còn nhiều điểm chưa phù hợp
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Bình ổn giá thị trường và định giá của Nhà nước là những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng
Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Dự thảo quy định khi giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống và an ninh quốc phòng có biến động thất thường hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động thất thường, Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá bằng một hoặc một số biện pháp phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại thời điểm đó sao cho có hiệu quả nhất.
Quy định này là điểm mới so với Pháp lệnh Giá, mục tiêu chủ yếu là góp phần kiểm soát lạm phát; ổn định tình hình kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. So với Pháp lệnh Giá, dự thảo đã bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, trong đó có biện pháp đăng ký giá.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhà nước cho rằng, so với Pháp lệnh Giá hiện hành, Dự thảo đã hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý, bổ sung một số quy định mới, chi tiết hơn một số nội dung như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá...
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, dự án luật chưa làm nổi bật những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản, chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng pháp lệnh lên thành luật để khắc phục hạn chế so với khung pháp lý hiện hành và mục tiêu đề ra. Việc quy định vai trò quản lý, sự điều tiết về giá của Nhà nước là cần thiết. Song, với tính chất là đạo luật về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong định giá hàng hóa, dịch vụ thì nhiều nội dung của dự thảo chưa thật sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu...
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị nên lấy tên như dự thảo ban đầu Luật Quản lý giá hoặc Luật Bình ổn giá. Dự thảo cũng nên quy định cụ thể về thẩm quyền định giá, trong đó nên đối chiếu với các luật khác để tránh sự trùng lắp.
Liên quan tới thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá, nhiều ý kiến đề nghị việc quyết định các biện pháp bình ổn giá trên phạm vi cả nước phải do tập thể Chính phủ xem xét, quyết định, bởi đây là vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền lợi của người tiêu dùng, không nên giao trách nhiệm cho cá nhân Thủ tướng. Tương tự, việc quyết định bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá cũng nên do các Bộ xem xét, quyết định, không nên để cá nhân Bộ trưởng chịu trách nhiệm như dự thảo đề ra. Đồng thời cần chỉ rõ vai trò của Nhà nước trong việc bình ổn giá chứ không dừng ở những quy định chung chung sẽ khó thực hiện.
Dự thảo cần khẳng định nguyên tắc Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường có biến động bất thường, vì việc can thiệp sâu của Nhà nước dễ dẫn đến làm méo mó thị trường, bóp chết sản xuất; cần đảm bảo hài hòa về quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; các quy định mang tính can thiệp trực tiếp chưa chắc mang lại hiệu quả, mà còn có thể gây nên những phản ứng bất lợi từ thị trường.
Cùng đó, nguyên tắc, tiêu chí xác định mặt hàng bình ổn giá; mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá; trách nhiệm, thẩm quyền quản lý giá, định giá cũng cần được xác định rõ, cụ thể; bổ sung một số quy định có tính chất chế tài, cơ chế xử lý tranh chấp đặc thù...
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh quy luật cung-cầu, còn nhiều yếu tố, điều kiện có thể ảnh hưởng đến giá. Do đó, vẫn phải có sự điều tiết, can thiệp nhất định để đảm bảo sự cân đối, thể hiện được vai trò của Nhà nước...
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần có sự đổi mới trong quy trình làm luật. Chủ tịch nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian, Thường vụ Quốc hội chỉ cho ý kiến vào các nội dung mà bên soạn thảo và thẩm định đã bàn bạc kỹ nhưng chưa đi đến thống nhất. Tại dự án Luật Giá, ngay trong tờ trình cần phải lý giải rõ vì sao đổi tên Luật Quản lý giá thành Luật Giá. Việc để tên Luật Giá như hiện nay là quá rộng. Việc xác định hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước quy định giá cần dựa trên tiêu chí là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng, dầu, điện, còn những hàng hóa khác thuộc quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh...
Lan Phương (tổng hợp)