Ung thư hạ họng mà nghệ sĩ Giang còi mắc phải nguy hiểm như thế nào?

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:54, 26/01/2021

Vừa qua, nghệ sĩ Giang còi xác nhận anh mắc ung thư hạ họng giai đoạn 3. Anh cho biết căn bệnh ung thư của mình rất khó phát hiện, khi biết được thì cũng là lúc căn bệnh đã di căn.

Cách đây hơn 1 tuần, nghệ sĩ Giang còi bị mất tiếng khi đang quay một chương trình của VTV. Khi đi khám, anh được bác sĩ chẩn đoán u hạ họng thể sùi hạ họng xoang lê bên phải, tổn thương thứ phát phổi hai bên, tổn thương thứ phát ở gan, xơ gan, sỏi túi mật. Chứng mất tiếng được cho là do dây thanh quản đã bị sùi và liệt.

Anh chia sẻ thêm: "Bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho tôi là truyền hóa chất vào thứ 4 hàng tuần. Tổng thiệt hại 60 triệu/lần, tháng 4 lần. Đợt 1 sẽ điều trị hóa chất 2 tháng".

ung-thu-ha-hong.jpeg
Nghệ sĩ Giang còi cho biết căn bệnh ung thư hạ họng của mình rất khó phát hiện, khi biết được thì cũng là lúc căn bệnh đã di căn nguy hiểm.

Nhưng nghệ sĩ Giang còi quyết định không truyền hóa trị. Anh sẽ quay lại và tiếp tục làm việc, khiến nhiều người hâm mộ không khỏi lo lắng.

Theo các chuyên gia tai mũi họng, hạ họng là phần dưới của máng đường thở - tiêu hóa gồm xoang lê, vùng sau nhẫn phễu và vùng thành sau hạ họng. Ung thư hạ họng là tình trạng khối u xuất hiện ở vùng hạ họng thuộc biểu mô đường tiêu hóa, sau đó lan nhanh vào thanh quản.

Ở nước ta, ung thư hạ họng khá phổ biến, đứng thứ 3 trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng (chỉ sau ung thư vòm, ung thư mũi xoang).

Theo các số liệu từ Bộ Y tế, 75% bệnh nhân trong khoảng từ độ tuổi 50 tới 65. Đặc biệt, ung thư hạ họng thường gặp hơn ở nam giới (nguy cơ nam giới mắc căn bệnh này gấp 5 lần nữ giới).

 Ung thư hạ họng gặp nhiều hơn ung thư thanh quản nhưng lại khó điều trị hơn bởi các triệu chứng của bệnh thường khởi phát nhanh nhưng kín đáo, khó phát hiện, gây khó khăn trong việc điều trị và cứu chữa.

Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến chúng ta sớm mắc phải căn bệnh ung thu hạ họng, có thể kể đến như:

- Người có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn trong khoang miệng phát triển.

- Hút thuốc lá: Các tế bào niêm mạc hạ họng dễ bị tổn thương do thuốc lá. Hút thuốc sản sinh ra các chất gây ung thư dẫn tới thay đổi DNA các tế bào này. Sau một khoảng thời gian, các tế bào đó trở thành ung thư phát triển, khó kiểm soát.

- Thiếu hụt vitamin

 - Nghiện thức uống có cồn: Nghiện rượu bia trong thời gian dài có thể gây ra các kích thích xấu lên niêm mạc họng, thanh quản. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài lâu ngày nếu không được điều trị sẽ hình thành khối u ung thư.

- Người suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể.

- Những người có di truyền ung thư.

- Người có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh ung thư.

- Người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường chứa nhiều chất độc, khí độc.

Các triệu chứng của ung thư hạ họng thường không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Bệnh nhân có thể chỉ gặp khó khăn nhẹ khi nuốt.

Các triệu chứng nặng và xuất hiện rõ ràng hơn trong các giai đoạn sau của bệnh lý bao gồm:  

- Khó nuốt, nuốt vướng ngày càng tăng dần, đầu tiên chỉ là một bên sau lan sang 2 bên họng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ có cảm giác có vật vướng ở họng nhưng sau đó là các cơn đau nặng nề kéo dài, có thể kèm theo đau tai.

- Ăn uống khó khăn, ăn mất ngon, gây sụt cân nhanh chóng.

- Xuất hiện hạch và các cục hạch ngày càng to dần lên, cứng và cố định tại một vị trí nhất định.

- Khi bệnh vào giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện sút cân, khó thở và khàn tiếng do khối u xâm lấn vào thanh quản, dây thần kinh.

- Răng yếu, hôi miệng

- Cảm thấy đau, vướng khi nuốt và mức độ đau ngày một tăng dần.

- Vùng xoang ứ đọng nước bọt và xuất hiện vết loét.

ung-thu-ha-hong-1.jpg
Hình ảnh nội soi của một bệnh nhân mắc ung thư hạ họng

Giống như các bệnh lý ung thư khác, để phòng ngừa ung thư hạ họng, việc quan trọng nhất chúng ta cần làm là thay đổi thói quen sống khoa học. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên làm theo các chỉ dẫn sau:

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, các chất kích thích.

- Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, xây dựng hệ miễn dịch cơ thể.

- Xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, bổ dưỡng, nhiều chất xơ, hạn chế thịt đỏ.

- Duy trì cân nặng bình thường.

- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng đầu óc.

- Nên thăm khám định kỳ ở các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng 1 lần/năm hoặc mỗi 6 tháng. 

- Bổ sung các loại thực phẩm chống ung thư như cà chua chứa lycopene, trái cây họ cam quýt giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, trà xanh chứa chất chống oxy hóa, quả việt quất có chất phytochemical.

Lê Tuấn