Thủ tướng: Chấp nhận thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 21:30, 19/01/2021

Thủ tướng nhấn mạnh nội dung trên và cho rằng “nếu pháp luật tốt, hoàn thiện thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường, đầu tư đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt khát vọng phát triển”.
tt.jpg
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề cuộc họp

Mở đầu cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế, diễn ra chiều ngày 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan chủ yếu dành thời gian để lắng nghe ý kiến, những chia sẻ đúng đắn về kinh tế Việt Nam, về chính sách tiền tệ mà Chính phủ đã điều hành trong thời gian qua, những kết quả đã đạt được, đặc biệt những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ của Chính phủ là phải điều hành để đưa đất nước tiến bước, thực hiện cho được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ họp vào ngày 25/1 tới. Chúng ta sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Sau thời gian lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm tới một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Nhất là, người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp.

Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế và “nếu pháp luật tốt, hoàn thiện thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường, đầu tư đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt khát vọng phát triển”.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng: Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế

Nhấn mạnh một số tồn tại, Thủ tướng nêu rõ, cần lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế, “nếu nỗ lực, chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa”. Chúng ta vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Môi trường đầu tư-kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ôtô, điện tử…

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược. Cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.

“Các đồng chí cần phát hiện, đề xuất các chính sách để thu hút phát triển, tháo gỡ vướng mắc”, Thủ tướng đề nghị, tìm động lực mới cho phát triển.

Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới.

Tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tư vấn để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Xuân Lan