Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Quảng Bình cần thực hiện 7 yếu tố để phát huy tiềm năng, lợi thế

Đời sống - Ngày đăng : 18:40, 18/01/2021

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư chiều 15/1 tại Quảng Bình, đơn vị tổ chức đã trao các quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Quảng Bình và ký các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 37 dự án với tổng mức đầu tư 141.038 tỷ đồng, tương đương 6,12 tỷ USD.

“Hội nghị xúc tiến Đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021” là hoạt động khởi đầu cho nhiệm kỳ mới, là dịp để quảng bá về hình ảnh mới của một Quảng Bình với nhiều tiềm năng phát triển. Tham dự hội nghị có ông Trịnh Đình Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

ong-trinh-dinh-dung-pho-thu-tuong-chinh-phu-phat-bieu-tai-hoi-nghi.jpg

Ngoài ra còn có sự tham dự của Đại biểu các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng Đại biểu các nhà đầu tư với hơn 100 nhà đầu tư tham dự như: Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn FLC, Vietravel, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn CJ, Tập đoàn Mitsubishi, Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn CT&D…

Về phía địa phương có sự tham dự của ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ông Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Đình Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Bình là tỉnh phát triển khá trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt để tạo môi trường đầu tư thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Quảng Bình cần phải có 7 yếu tố cần phải thực hiện để phát huy được cao nhất tiềm năng, lợi thế của mình.

Cụ thể, trước hết phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như Du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá – thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tiếp theo cần rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh. Trong đó đặt Quảng Bình trong mối liên kết chặt chẽ với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung – Tây nguyên. Thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác.

Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, từng bước hiện đại.

Thứ tư, Tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ năm, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Quảng Bình. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Thứ sáu, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân, không để xảy ra điểm nóng, tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định để phát triển.

Điều cuối cùng là phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, một chính quyền phục vụ nhân dân, đảm bảo sự hài lòng của người dân.

Tiếp nhận tích cực những ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã khẳng định: “Đối với tỉnh Quảng Bình, ngay sau Hội nghị hôm nay sẽ triển khai ngay những giải pháp hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững”.

“Chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân, DN; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương. Tiến hành cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Xây dựng cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và đối thoại thường xuyên với cấp lãnh đạo tỉnh cao nhất để có thể giải quyết những khó khăn, rào cản một cách nhanh chóng, kịp thời” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.

Trần Cường