Phạm tội chưa đạt có bị xử lý trách nhiệm hình sự không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:04, 14/01/2021

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Hỏi: Em trai tôi năm nay 15 tuổi bị nghiện ma túy, không có tiền để mua thuốc sử dụng nên đã đi trộm cắp tài sản. Trong khi em trai tôi đang tiến hành lẻn vào nhà người ta lấy trộm xe máy nhưng mới chỉ phá khóa và dắt xe từ trong nhà ra đến sân thì bị phát hiện, sau đó bỏ xe lại và chạy luôn. Luật sư cho tôi hỏi, trường hợp của em trai tôi có thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt không? Trong trường hợp này em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ?

Độc giả Vũ Phương Trà

Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 173 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội "Trộm cắp tài sản” là một loại tội phạm có dấu hiệu nhận biết khá đơn giản được thể hiện ở hai hành vi đó là “hành vi lén lút” (lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết) có trước và “hành vi chiếm đoạt” có sau.

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (Điều 15 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).

Như vậy theo quy định trên thì “Phạm tội chưa đạt” được xác định bởi ba dấu hiệu như sau:

Thứ nhất, người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trường hợp này, em trai của bạn đã có những hành vi (lén lút vào nhà người ta, phá khóa xe máy và dắt xe ra khỏi nhà) được mô tả trong cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Thứ hai, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng, nghĩa là hành vi của họ chưa thoả mãn hết các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm. Chẳng hạn như, người phạm tội đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây hậu quả của tội phạm. Cụ thể, em trai của bạn đã thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe nhưng mục đích cuối cùng vẫn chưa đạt được.

Thứ ba, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của họ (người bị hại tránh được, có người can ngăn kịp thời,…) mặc dù bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành như ý muốn. Trường hợp trên em trai của bạn dừng hành vi phạm tội do bị chủ nhà phát hiện nên đã bỏ lại chiếc xe và bỏ chạy do đó em trai của bạn đã không thực hiện được hành vi cuối cùng là “chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Từ thông tin mà bạn đã cung cấp cho chúng tôi và những phân tích trên, có thể xác định được em trai của bạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (chưa đạt về hậu quả, đã hoàn thành về mặt hành vi) theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Do đó, em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Do mới 15 tuổi nên nếu bị truy cứu TNHS thì đối với trường hợp của em trai bạn hình phạt sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 57 và khoản 2 Điều 101 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

LS Ngô Thị Thủy (Công ty luật Interla)