Thủ tướng: Giao Bình Phước triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Chơn Thành-TPHCM
Chính trị - Ngày đăng : 15:11, 14/01/2021
Sáng 14/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm qua và triển khai kế hoạch năm nay của địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý chí vươn lên của Bình Phước, tỉnh có nhiều chuyển biến toàn tiện, mang dấu ấn mạnh mẽ.
Đột phá nằm ở khâu liên kết phát triển
Gợi mở định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Bình Phước hướng đến trở thành một tỉnh tiên phong đổi mới, giàu có của vùng Đông Nam Bộ, dựa trên nền tảng nông nghiệp đa dạng, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, tập trung sản xuất, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Tỉnh phải là một địa phương có nhiều thương hiệu nông nghiệp Việt Nam nổi tiếng.
Bên cạnh vấn đề nông nghiệp, tỉnh cần phát huy vai trò, tiềm năng là trung tâm năng lượng lớn của đất nước.
“Đột phá của Bình Phước nằm ở khâu liên kết phát triển, liên kết vùng và liên kết hạ tầng”, Thủ tướng nói, lưu ý liên kết với Đông Nam Bộ, đặc biệt liên kết với cảng Cái Mép-Thị Vải cũng như các sân bay.
Tỉnh giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Campuchia. Do đó, Cửa khẩu Hoa Lư phải giữ vai trò kết nối các tuyến du lịch quốc tế với các nước láng giềng.
Với diện tích rừng, đất đai nông nghiệp lớn, Bình Phước có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái vùng Đông Nam Bộ, bảo vệ, điều hòa dòng chảy các con sông và bảo vệ nguồn tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình và phát triển rừng bền vững.
Tỉnh phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tập trung triên khai 10 dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lân thứ XI.
Bảo vệ cho được phong tục văn hóa đặc sắc các dân tộc. Gia cường hơn nữa nền tảng xã hội trước các nguy cơ về mâu thuẫn dân tộc, tệ nạn xã hội, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, các loại tội phạm, không để xảy ra những cái điểm nóng về an ninh nông thôn.
Quy hoạch cần được đẩy mạnh, kể cả quy hoạch phát triển đô thị, nâng cao chất lượng các khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân, quy hoạch phát triển kinh tế và văn hóa xã hội.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh cần chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt tập trung thực hiện “mục tiêu kép” và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông.
Thủ tướng lưu ý, tỉnh đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đây là việc làm “rẻ nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất”.
Cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Với vị trí địa lý đặc thù, Bình Phước cần hết sức lưu ý, không được chủ quan, lơ là trong việc kiếm soát biên giới, tránh để dịch bệnh lây lan.
Cơ bản ủng hộ các kiến nghị cụ thể của Bình Phước
Thủ tướng nhất trí giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Chơn Thành-TPHCM theo hình thức PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, kịp thời. Tỉnh lập dự án cụ thể trình Thủ tướng xem xét.
Về tuyến đường sắt xuyên Á, trước mắt giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.
Về dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải, Thủ tướng cho rằng đây là dự án cần thiết về liên kết vùng, tạo đột phá phát triển; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sớm phương án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, với nhiều giải pháp chủ động, đổi mới, hiệu quả trong quản lý, điều hành ngay từ đầu năm 2020 nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả quan trọng và có nhiều điểm sáng, có 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51 % thuộc nhóm cao của cả nước, thu ngân sách đạt 11.608 tỷ đồng, đạt 169 % dự toán Trung ương giao.
Sản xuất công nghiệp tăng khá 12,5 %, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3 %, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,33 %, các hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ nhân dân, hoạt động văn hóa xã hội đã làm tốt công tác chăm lo đời sống đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đấu thầu qua mạng đứng thứ 2 so với cả nước, công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đã thành công bước đầu, toàn tỉnh không có ca mắc bệnh Covid - 19, đặc biệt tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đúng theo yêu cầu Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế, yếu kém của địa phương là tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá nhưng không đạt kế hoạch 2 đề ra là 8% do tác động lớn ngoài dự báo của đại dịch Covid - 19. Trong đó nhiều ngành lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như thu hút đầu tư, ngành thương mại, dịch vụ; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm do vướng giải phóng mặt bằng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tình hình tội phạm về ma túy, tín dụng đen gia tăng, tình hình khiếu nại, tố cáo tuy đã được UBND tỉnh tập trung giải quyết nhưng vẫn còn phức tạp. Đây cũng là những vấn đề được tỉnh xác định tập trung giải quyết trong thời gian tới.