Các cơ quan tư pháp có nhiều đổi mới, đột phá trong nhiệm kỳ 2016-2021

Chính trị - Ngày đăng : 20:20, 12/01/2021

Trong phiên họp sáng nay 12/1, UBTVQH cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TANDTC, VKSNDTC. Các đại biểu đều thống nhất, các báo cáo của hai cơ quan đều đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Lượng án tăng nhanh, tạo áp lực lớn cho cả Tòa án và VKS

Thẩm tra báo cáo công tác của TAND, UBTP nhận thấy, TAND các cấp đã khắc phục được nhiều hạn chế của công tác này. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Theo Báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ.

202101111910300230_toan-canh-nd3(1).jpg

Tuy nhiên, một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

UBTP cũng nhận xét về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của VKSND đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận một số năm chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đáng lưu ý, năm 2020, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận giảm mạnh so với năm 2019. Một số Kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính...

Cho ý kiến báo cáo của hai cơ quan VKSNDTC và TANDTC, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ hơn về tranh tụng tại các phiên tòa, vì đây là một trong những điểm đổi mới rõ nét trong nhiệm kỳ vừa qua.

Còn ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng.

Báo cáo giải trình sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, TANDTC đặc biệt chú trọng thực hiện tốt vấn đề tranh tụng tại phiên và luôn tạo điều kiện để các bên tham gia tranh tụng. Hơn nữa, đối với Tòa án và các Thẩm phán, quan điểm luôn cho rằng tranh tụng là con đường đi đến công lý; tranh tụng tốt, sẽ lắng nghe được ý kiến phản biện của các bên, nên Tòa án không hạn chế.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chủ thể tranh tụng không phải Tòa án mà là VKS và luật sư, bên buộc tội và bên gỡ tội. Tòa án chỉ là cơ quan tạo điều kiện tối đa để các bên tranh tụng và sử dụng kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết của mình. Quan điểm của Tòa án tranh tụng là con đường đến chân lý, nên tạo điều kiện tối đa để các bên thực hiện quyền của mình.

z2275128291940_abe2b8c8a8eb4383024a1cdb3721d898.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp UBTVQH sáng nay 12/1

Việc thu hồi tài sản tham nhũng, Tòa án đã kiến nghị thu hồi được số tiền lớn, kết quả vượt trội so với trước đây. Chánh án cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và hoàn thiện báo cáo.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, án hình sự, đặc biệt lên cấp Trung ương, tranh tụng không có gì phải băn khoăn, so với trước đã tiến bộ nhiều, nhưng những vụ án dân sự và hành chính thì có một số khó khăn.

Theo ông Trí, có tình trạng cả nể trong quá trình tham gia tố tụng. "Bởi nếu một Kiểm sát viên công tác ở VKS huyện, tỉnh ra Tòa buộc họ phát biểu mạnh về ông Chủ tịch UBND tỉnh thì sau này chắc không dễ làm việc; chưa kể KSV muốn nói mạnh mà Viện trưởng không đồng tình thì cũng chịu", ông Trí giãi bày.

Ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ thêm, một cán bộ bình thường đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì khó, vì "ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể", dù rằng tất cả đều phải có nguyên tắc. Tuy nhiên, yêu cầu tất cả cán bộ dưới quyền đều làm như mình hết thì không phải dễ. Ngoài ra, án dân sự, hành chính đòi hỏi kiến thức tổng hợp về kinh tế- xã hội, chuyên ngành. Chẳng hạn như vấn đề đất đai, có những vụ việc diễn ra đã lâu, hàng chục năm trước, bây giờ tranh chấp với nhau, không phải Kiểm sát viên nào cũng nắm rõ hết được.

Viện trưởng VKSNDTC cũng cũng dẫn ra một thực tế khó khăn là khi tốc độ các vụ án hành chính và dân sự tăng rất nhanh những năm gần đây, tạo áp lực cho cả Tòa án và VKS. Các cơ quan đều có những nỗ lực, cố gắng chuyển biến tốt, nhưng so với yêu cầu là “cuộc rượt đuổi, không đơn giản”, ông Trí nhấn mạnh.

le-minh-tri-52.jpg
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí

Đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới

Kết luận nội dung, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2016-2021, các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có thuận lợi, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là cuối năm 2019, đầu năm 2020, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật gia tăng mạnh, đặc biệt là tình hình đại dịch Covid-19… đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và có nhiều đổi mới, cải tiến, có một số giải pháp đột phá nên cơ bản hoàn thành tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Công tác cải cách tư pháp thông qua hoạt động của Tòa án, VKS đều đạt được kết quả tiến bộ hơn, thể hiện rất rõ trong các vấn đề tranh tụng, bảo đảm quyền bào chữa của luật sư, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngành Tòa án hiện đã áp dụng rất mạnh mẽ công nghệ thông tin để công khai các bản án, xây dựng nhiều phần mềm để giải quyết những vấn đề liên quan đến tố tụng của Tòa án. VKSNDTC cũng ứng dụng rất nhiều công nghệ thông tin trong hoạt động của mình.

Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để có những giải pháp hiệu quả hơn, đáp ứng được mong đợi của cử tri, nhân dân và phù hợp với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều thể hiện sự đồng tình, đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của VKSNDTC, TANDTC được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung một số ý, các báo cáo đã đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

img_4246.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên họp sáng nay 12/1

Tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết phê chuẩn quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với tỷ lệ tán thành 100%.