Gần 2,5 triệu vụ việc được Tòa án giải quyết trong nhiệm kỳ 2016-2021

Chính trị - Ngày đăng : 10:23, 12/01/2021

Gần 2,5 triệu vụ việc được Tòa án giải quyết trong nhiệm kỳ 2016-2021; các vụ án được xét xử đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không có án oan sai; thực hiện cải cách tư pháp mạnh mẽ…

Là những điểm nổi bật về công tác Tòa án nhiệm kỳ 2016-2021 được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại phiên họp UBTVQH sáng nay (12/1).

Xét xử đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp hơn, quy mô lớn hơn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

202101111910300230_pho-chu-tich-quoc-hoi-uong-chu-luu.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp UBTVQH sáng nay 12/1

Cụ thể: Các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, xét xử các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.

Hệ thống Tòa án cũng đã tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Theo đó, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.

Đặc biệt, đã xử lý áp dụng hình phạt nghiêm khắc với 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 Sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; á dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Cải cách tư pháp mạnh mẽ

Theo Chánh án, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức TAND 2014, TANDTC đã triển khai thành lập hệ thống Tòa án 04 cấp phẩm chung và dần dần đi vào ổn định, nề nếp của mô hình tổ chức Tòa án mới.

Tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng. Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TANDTC về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết. Chú trọng đưa ra kiến nghị nhằm khắc phục những thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng; kiến nghị liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách, lỗ hổng trong quản lý vĩ mô để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả. Chính vì vậy, chất lượng xét xử đã không ngừng được nâng lên.

Hệ thống Tòa án cũng triển khai mô hình phòng xét xử mới và mô hình phòng xét xử thân thiện phù hợp với trình độ chung của quốc tế. Qua đó đề cao, vai trò của Hội đồng xét xử; bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ; đảm bảo sự bình đẳng của các bên trong vụ án dân sự, hành chính, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong vụ án hình sự; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong vụ án có sự tham gia của họ.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC đã tiến hành thí điểm và sau đó áp dụng thống nhất trong toàn quốc trang phục xét xử mới của Thẩm phán tạo nên diện mạo mới cho Thẩm phán, qua đó, đề cao tính uy nghiêm của nền tư pháp nước nhà.

201812100916328842_chanh-an-toa-an-ndtc-nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Tòa án cũng Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ. Trong đó, đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hơn 60 dự án luật, pháp lệnh đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 24 Nghị quyết như: các nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính,...; Chánh án TANDTC ban hành 05 Thông tư về phòng xử án, về quy chế tổ chức phiên tòa, về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Ngoài ra, TANDTC đã phối hợp xây dựng, ban hành 19 Thông tư liên tịch. Ban hành 05 tập Giải đáp và 03 công văn thông báo kết quả giải đáp trực tuyến về nghiệp vụ; công bố được 39 án lệ; nghiên cứu xây dựng 03 cuốn “Án lệ và Bình luận” và Giáo trình “Án lệ và thực tiễn xét xử”; vận hành có hiệu quả Trang tin điện tử về án lệ với nhiều nội dung phong phú.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, mặc dù việc phát triển án lệ mới đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những án lệ được Chánh án Tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ cho nền tư pháp nước nhà. Xu hướng và kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử nhiệm kỳ qua đã có bước phát triển mới, hiện nay đã có hơn 1000 vụ án đã viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử.

TANDTC tổ chức thí điểm thành công việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó, đã đề xuất và được Quốc hội xem xét, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Triển khai và tập huấn Luật này trong toàn quốc và chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng thực hiện, đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 01/01/2021.

Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay đã dần đi vào nề nếp. Kết quả, đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định.

Tập trung vào 6 giải pháp trọng điểm

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Hội đồng Thẩm phán, Chánh án TANDTC đã kịp ban hành các công văn, chỉ thị hướng dẫn về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời, xét xử theo thủ tục rút gọn và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

202101111910300230_toan-canh-nd3(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp

TANDTC cũng tăng cường và đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, kinh nghiệm xét xử trong toàn hệ thống, nhất là các chức danh tư pháp. Theo đó, đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho trên 15000 Thẩm phán và các chức danh tư pháp; đã tổ chức tập huấn trực tuyến hàng tháng cho đội ngũ Thẩm phán và công chức có chức danh tư pháp trong toàn hệ thống; đã tổ chức hơn 30 bổi đối thoại trực tuyến định kỳ giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Tòa án các cấp để trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Các hình thức đào tạo này đã thu hút các Điều tra viên, Kiểm sát viên tại các địa phương tích cực tham gia;

Thường xuyên tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp để các Thẩm phán nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm xét xử, qua đó, tự đào tạo, tự học tập thông qua việc rút kinh nghiệm từ chính thực tiễn xét xử, giải quyết các loại vụ việc.

Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. TANDTC tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống; đề cao kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với cán bộ, công chức Tòa án. Đã ban hành và tổ chức thực hiện “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”, Quyết định số 120/TANDTC-QĐ ngày 19/6/2017 về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND và Chỉ thị số 05/2020/CT-CA ngày 28/7/2020 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các TAND.

Cùng với đó là tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án. Hiện hệ thống Tòa án đã xây dựng đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến tới gần 800 điểm cầu đến Tòa án cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu. Nhiều phần mềm được đưa vào sử dụng như: hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án qua mạng; phần mềm quản lý án; phần mềm nhận và gửi đơn, tài liệu chứng cứ qua mạng; phần mềm đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; và nhiều phần mềm khác có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu quả.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, hệ thống Tòa án sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội 13 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật;

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án tinh gọn, liêm chính; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ;

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới thủ tục hành chính-tư pháp; xây dựng Tòa án điện tử; Tăng cường, chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Tích cực tìm kiếm nguồn hỗ trợ nước ngoài cho các hoạt động của Tòa án. Làm tốt công tác tương trợ tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất phương án đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế.

Mai Thoa