“Giang hồ mạng”: Mầm mống độc hại cần loại bỏ
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:53, 12/01/2021
Thời gian qua, cụm từ “giang hồ mạng” nổi lên như một hiện tượng trên youtube và mạng xã hội. Vì sao “giang hồ mạng” lại có “đất” sống, lại tồn tại và được một bộ phận không nhỏ giới trẻ đặc biệt là học sinh THCS, thậm chí cả sinh viên hưởng ứng, tung hô và xem như là một hiện tượng, thần tượng.
Chỉ cần gõ từ khóa “giang hồ mạng” trên google thì trong 0,30 giây cho tới 99 triệu 700 ngàn kết quả tìm kiếm. Các “giang hồ mạng” nổi lên thời gian qua với tên tuổi “lẫy lừng” như: Huấn hoa hồng; Khá Bảnh; “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền; Dũng trọc; Ngọc “Rambo”… điểm chung của các “giang hồ mạng” này là được một bộ phận giới trẻ tung hô, hưởng ứng khi đưa lên những video trên youtube, mạng xã hội về hoạt động bạo lực, nhảy múa kệch cỡm, những buổi live tream nói chuyện bạo lực, tục tĩu… hay những hành động ngổ ngáo như đốt xe, đi xe không đội mũ bảo hiểm….khoe hình xăm trổ, khoe thành tích “bất hảo” ở chốn “giang hồ”. Thậm chí như Khá Bảnh khi đi ra ngoài đường còn được nhiều học sinh THCS, THPT xin chụp hình, coi như một thần tượng, mội ngôi sao….
Rất nguy hiểm khi hiện tại một bộ phận giới trẻ đã luôn coi các “giang hồ mạng” này là thần tượng, luôn chờ đợi những video mới, những hình ảnh sốc, những phát ngôn bá đạo để học theo. Phải chăng hiện tại giới trẻ đang thiếu thần tượng hay những gì chân chính, khoa học, nhân văn của cuộc sống hàng ngày không đủ thu hút sự đam mê của giới trẻ hay trong chính nhận thức của các em đang có vấn đề?
Nhìn nhận về hiện tượng này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc một bộ phận giới trẻ đam mê, thần tượng những “giang hồ mạng” là vấn đề đáng báo động, cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc từ đó có giải pháp phù hợp để tuyên truyền, chấn chỉnh trong nhận thức, suy nghĩ và hành động của các em. Một xã hội văn minh, hiện đại không thể có “đất” sống cho những video, những cá nhân mà từ hình thức đến suy nghĩ, hành động lệch lạch, phản cảm.
Các “giang hồ mạng” thời gian qua đã lần lượt bị sờ gáy, bị bắt, bị truy tố và đưa ra xét xử bằng những bản án thích đáng, nghiêm khắc của pháp luật. Từ việc bị bắt về việc cho vay nặng lãi, đến cố ý gây thương tích, đến sử dụng ma túy… đã phần nào phơi bày bản chất của các “giang hồ mạng”, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận giới trẻ luôn đam mê, thần tượng “giang hồ mạng”.
Nhà trường, gia đình và rộng hơn là cả xã hội cần tuyên truyền, cần có buổi sinh hoạt chuyên đề phân tích, lên án những hành vi lệch lạc, sai trái, phản văn hóa của các “giang hồ mạng”, cần phải tẩy chay những video độc hại ra khỏi “đời sống” của youtube, của mạng xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt chẽ, có chế xử lý và phối hợp xử lý một cách kiên quyết để những video độc hại không xuất hiện trên youtube, mạng xã hội.