Charlie Nguyễn: "Bước vào làm điện ảnh phải chấp nhận cả thành công và thất bại"
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 15:40, 11/01/2021
Khởi chiếu từ ngày 24/12/2020, Người cần quên phải nhớ hiện chỉ đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng. Cùng Võ sinh đại chiến, bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn bị thất bại doanh thu phòng vé nặng nề.
Thẳng thắn nhìn nhận về thất bại của Người cần quên phải nhớ, Charlie Nguyễn cho rằng: “Không có nhà sản xuất, đạo diễn nổi tiếng nào trên thế giới không gặp thất bại. Điều này xảy ra đều đặn với mọi người. Tôi luôn nói với cộng sự rằng chúng ta sẽ làm hết sức có thể với dự án, còn kết quả thế nào là do ông trời tính.
Anh thừa nhận bộ phim chưa chạm đến trái tim khán giả vì nhân vật không khiến người xem yêu thích, đồng cảm. Và thực tế, hai nhân vật chính Loan (Hoàng Yến Chibi) và Bình (Trần Ngọc Vàng đóng) được xây dựng chưa đủ thuyết phục.
Vì vậy, tôi không quá vui khi phim thành công, nhưng đồng thời không quá buồn nếu phim thất bại. Mỗi thất bại đều cho mình cơ hội học hỏi, bài học.
Từ đó, tôi có thể làm tốt hơn ở những bộ phim sau. Tôi không nghĩ Người cần quên phải nhớ là một bộ phim tồi tệ. Nhưng nó không đáp ứng được nhu cầu của khán giả”.
Anh khẳng định có nhiều yếu tố dẫn tới việc một bộ phim không thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm.
“Sau mỗi bộ phim, tôi thường cùng cộng sự ngồi lại, mổ xẻ, lý giải những điểm chưa được. Ở Người cần quên phải nhớ, phim chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả. Sau buổi ra mắt ở Hà Nội, tôi đã tìm thấy câu trả lời vì sao phim chưa hấp dẫn”, anh kể.
Đối với bộ phim Võ sinh đại chiến, ekip thực hiện đã bày tỏ thái độ bức xúc về sự thiên vị của các nhà phát hành phim. Họ cho rằng đưa ít xuất vé là một trong những nguyên nhân gây ra sự thất thu với bộ phim.
Nhìn nhận về vấn đề này, Charlie cho hay: “Đó là sự thật. Trong công ty tôi, có mấy bạn rủ nhau đi xem phim nhưng khi đến rạp không có suất. Thời gian chiếu nếu có lại rơi vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nhưng đây không phải là yếu tố quyết định phim thất bại”.
“Nhà sản xuất, nhà đầu tư thường cảm thấy khó chịu khi mình làm phim cực khổ trong cả năm, rồi lại bị xếp ít suất chiếu. Họ cho rằng như vậy là bất công.
Tôi nghĩ không bao giờ có công bằng trong nghề này. Khó khăn, gian nan và áp lực lớn đến với mọi người, từ nhà sản xuất, rạp, nhà phát hành. Đòi hỏi công bằng trong nghề này là không thực tế.
Khi phim thành công, các rạp đều xếp nhiều suất, thậm chí mỗi suất cách nhau 15 phút, có ai ý kiến nên giảm suất chiếu của mình, tăng suất cho phim khác? Nên khi thất bại, cũng không nên thắc mắc tại sao phim bị xếp ít suất chiếu.
Khi mình thất bại, phim khác thành công thì nên vui cho họ bởi họ xứng đáng. Họ cũng đã trải qua bao nhiêu lần thất bại thì mới được hân hoan như vậy”.