Công bố danh sách đề cử giải Âm nhạc Cống hiến 2021

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 10:07, 05/01/2021

Giải thưởng "Âm nhạc Cống hiến" từ lâu đã là giải thưởng rất đặc biệt so với các giải thưởng âm nhạc khác.

Ngày 4/1 - Ban Tổ chức (BTC) Giải Âm nhạc Cống hiến lần 16 - 2021 của Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã chính thức thông báo đến các cơ quan báo, đài về danh sách đề cử của giải với 9 hạng mục: Nhà sản xuất của năm, Bài hát của năm, Music Video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Album của năm, Chương trình của năm, Chuỗi chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm.

giai1.jpg
Danh sách Cống hiến được BTC công bố.

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến là giải thưởng rất đặc biệt so với các giải thưởng âm nhạc khác. Không mang tính hàn lâm, cũng không phải do khán giả hâm mộ đánh giá, mà giải Cống hiến được bầu chọn bởi những phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của các cơ quan báo, đài trên toàn quốc, những người đã trực tiếp theo dõi hoạt động âm nhạc của nước nhà trong năm qua.

giai2.jpg
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh tại giải năm 2020

Với tiêu chí “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”, mỗi một đề cử ở các hạng mục được xem là đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp âm nhạc của nước nhà.

giai4.jpg

AMEE chứng tỏ năng lực của mình tại thị trường âm nhạc Việt.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành quả mà các nghệ sĩ đã nỗ lực phấn đấu trong năm 2020 qua Đề cử Âm nhạc Cống hiến lần 16 - 2021.

NHÀ SẢN XUẤT CỦA NĂM

Các nhạc sĩ trong đề cử của hạng mục Nhà sản xuất của năm gồm:

Dương Cầm, giám đốc âm nhạc Dự án Bandland gồm Chuỗi chương trình Bandland (có 28 MV Live in Studio của 19 ban nhạc) phát trên Youtube và liveshow Band Fest (tại Hà Nội). Là sân chơi của các ban nhạc chuyên và không chuyên, góp phần vào việc kích thích sự phát triển của ban nhạc Việt Nam.

Touliver, giám đốc âm nhạc chương trình Rap Việt phát sóng trên Vie Channel - HTV2. Chương trình tạo được tiếng vang lớn trên công luận, đêm chung kết của chương trình có hơn 1 triệu người theo dõi trực tiếp trên Youtube; chương trình đánh dấu bước phát triển của nhạc rap Việt Nam và đưa nhạc rap từ underground đến với đông đảo công chúng.

Huy Tuấn, giám đốc âm nhạc chuỗi chương trình Music Home (Truyền hình FPT), mỗi số của chương trình tương tự như một mini show của ca sĩ. Chương trình được xây dựng chất lượng âm thanh mang tiêu chuẩn nhà hát và công nghệ truyền hình mới dành riêng cho khán giả tại nhà và với sự góp mặt của những ca sĩ có cá tính như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Vũ Cát Tường, Hoàng Thùy Linh, Binz… đem lại nhiều thú vị cho khán giả.

Hứa Kim Tuyền - TDK, là ê-kíp sản xuất chính của Amee. Trong năm qua, Amee nổi bật với album Dreamee và những MV như: Yêu thì yêu không yêu thì yêu, Sao anh chưa về nhà… Âm nhạc mang màu sắc “teen” nhưng giai điệu mới lạ, có cá tính.

Nguyễn Hữu Vượng - Lưu Quang Minh, hòa âm phối khí cho ban ban nhạc và dàn dây trong album Human của Tùng Dương. Album được xem là có chiều sâu đồng thời đạt được tính chất của thể loại của progressive rock. Ngoài ra Nguyễn Hữu Vượng là giám đốc âm nhạc của liveshow Con người (Tùng Dương) và hòa âm một số bài hát trong album Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn và album của Nguyên Hà. Lưu Quang Minh thì ngoài sản phẩm âm nhạc của Tùng Dương, còn làm giám đốc âm nhạc cho Vy live concert và một số chương trình khác.

II. MUSIC VIDEO CỦA NĂM

Cứ chill thôi (ĐD: Chung Chí Công; Sáng tác: Trần Duy Khang & Rhymastic; Thể hiện: Chillies ft Suni Hạ Linh & Rhymastic). MV với nhiều khung hình đẹp, giai điệu funky rộn ràng, phóng khoáng, tươi trẻ, phù hợp với tuổi trẻ hiện đại, giai điệu có chất riêng, mang lại cảm xúc hứng khởi.

Đi về nhà (ĐD: Hoàng Thành Đồng; Sáng tác: Hứa Kim Tuyền, Xuân Ty, Đen; Thể hiện: Đen, JustaTee). Phần âm nhạc bắt tai, nhiều cảm xúc, nội dung lời rap và hình ảnh gần gũi với mọi người.

Em không sai chúng ta sai (ĐD: Đinh Hà Uyên Thư; Sáng tác: Nguyễn Phúc Thiện; Thể hiện: Erik). Một bản pop/ballad nhiều cảm xúc, giai điệu khá mới mẻ. Erik thể hiện khá tốt sự tương phản giữa các đoạn nhạc. Hình ảnh đủ phục vụ cho bài hát.

Kẻ cắp gặp bà già (ĐD: Kawaii; Sáng tác: DTAP; Thể hiện: Hoàng Thùy Linh). Giai điệu âm nhạc mới lạ, mang lại cảm giác “liêu trai”. Phần hình ảnh với nhiều ẩn dụ khi tái hiện khung cảnh từ những bức tranh dân gian như: Ngưu Lang Chức Nữ, Thúy Kiều gặp Kim Trọng, Đám cưới chuột, Mẫu Thượng ngàn… tạo chiều sâu cho MV.

OK (Sáng tác và thể hiện: Binz). Giai điệu mới mẻ, trẻ trung, hiện đại; âm hưởng phảng phất yếu tố rap nhưng rất “âm nhạc”, tạo nên sắc thái rất đặc biệt cho bài hát. Beat nhạc mang màu sắc acoustic, lời hát mang nhiều chất thơ.

Yêu thì yêu không yêu thì yêu (ĐD: Nhu Đặng; Sáng tác: Hứa Kim Tuyền, T.R.I; Thể hiện: Amee). Nhiều khung hình trẻ trung hiện đại phù hợp với tuổi trẻ; giai điệu vui nhộn, trẻ trung, một chút tinh nghịch; một bản nhạc “teen” với giọng điệu mới lạ.

III. BÀI HÁT CỦA NĂM

Nhìn chung 5 đề cử của hạng mục Bài hát của năm khá thú vị, giai điệu rất đặc sắc, tạo nên nét rất riêng cho bài hát, không lẫn với ai.

Cơn mưa tháng 5 (Sáng tác: Trần Lập, Trần Tuấn Hùng; Thể hiện: Tùng Dương, Trần Lập) là một bản rock ballad với phần đệm của guitar acoustic, giai điệu dễ cảm, có chiều sâu nội tâm. Một bản song ca khá thú vị.

Hoa nở không màu (Sáng tác: Nguyễn Minh Cường; Thể hiện: Hoài lâm), một bản tình ca da diết, giai điệu đẹp, mộc mạc, nhiều cảm xúc. Hoài Lâm đóng vai trò lớn và đã thành công trong việc chuyển tải thông điệp, tình cảm của bài hát.

OK (Sáng tác & thể hiện: Binz). Giai điệu mới mẻ, trẻ trung, hiện đại; âm hưởng phảng phất yếu tố rap nhưng rất “âm nhạc”, tạo nên sắc thái rất đặc biệt cho bài hát. Beat nhạc mang màu sắc acoustic, lời hát mang nhiều chất thơ.

Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở (Sáng tác: Rinnie Blue; Thể hiện: Nguyên Hà), bài hát nhiều chất tự sự, giàu cảm xúc, giai điệu nhẹ nhàng, có những đoạn mong manh như “sương khói”, ca từ lãng mạn nhiều chất thơ.

2 phút hơn (Sáng tác & thể hiện: Pháo). Tinh thần như một bài “túy ca”, giai điệu cá tính, phóng khoáng, đắm say và một chút ma mị. Beat nhạc đơn giản nhưng hòa hợp với giai điệu bài hát, mang lại hiệu quả cao.

IV. NGHỆ SĨ MỚI CỦA NĂM

Dế Choắt (tên thật là Châu Hải Minh), là rapper giành quán quân của cuộc thi Rap Việt 2020, anh được đánh giá cao về chuyên môn và được xem là rapper “thuần Việt”, nội dung rap phản ánh cuộc sống, tình người… truyền nhiều cảm hứng cho người nghe.

ICD (tên thật là Phạm Ngọc Huy), quán quân cuộc thi King of Rap, anh được đánh giá là rapper tài năng, đặc biệt là viết lời rap mang tính triết lý và nhiều ý nghĩa.

Trần Duy Khang (ban nhạc Chillies), năm 2020 anh sáng tác nhiều ca khúc cho các MV như: Có em đời bỗng vui, Vùng ký ức, Cứ chill thôi, Qua khung cửa sổ)… Trong đó Cứ chill thôi là bản hit và nằm trong đề cử MV của năm của Cống hiến lần này.

Pháo (tên thật là Nguyễn Diệu Huyền) là rapper, đồng thời cũng sáng tác một số bài hát rất cá tính như: Lạy ông lạy bà, Điêu toa, đặc biệt bài 2 phút hơn rất đặc sắc được nhiều người biết đến (nằm trong đề cử Bài hát của năm, Cống hiến năm nay). Pháo được mệnh danh là “công chúa” mới của giới underground.

V. ALBUM CỦA NĂM

Dreamee (Amee), với những sáng tác của Hứa Kim Tuyền, DTK, LyLy… Đây là album đầu tay của một ca sĩ trẻ, dù với giọng hát và tính chất “teen”, nhưng rất có cá tính, âm nhạc trẻ trung, hiện đại. Những bài hát nhiều màu sắc, đa dạng về thể loại và rất hợp với giọng hát của Amee. Đây là album hiếm hoi của ca sĩ trẻ trong trào lưu MV của thị trường âm nhạc.

Hôm qua, hôm nay và sau này (Nguyên Hà), album gồm bài hát của nhiều tác giả như: Hồ Tiến Đạt, Nhaccuatrang, Phạm Hải Âu, Rinnie Blue… Một album với rất nhiều bài đáng để nghe, qua album này Nguyên Hà thể hiện được sự quyến rũ và độ chín của giọng hát: ngọt ngào, dạt dào cảm xúc.

Human (Tùng Dương), album là một experimental rock (rock thể nghiệm) trong hành trình sáng tạo của Tùng Dương, các bài hát trong album chủ yếu do Sa Huỳnh và Bùi Caroon sáng tác. Việc thể hiện thành công những giai điệu kịch tính và với chiều sâu của ban nhạc và dàn dây giao hưởng, album được xem là thành quả nghệ thuật to lớn của Tùng Dương xét về nội dung cũng như tính chất thể loại.

Khanh Linh’s Journey (Khánh Linh), album với những bài hát do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sáng tác, với giọng điệu mới mẻ khác hẳn những ca khúc đang lưu hành trên thị trường. Một số bài hát trong album mang phong cách nhạc phim đương đại, một số bài mang âm hưởng nhạc kịch Broadway hoặc cổ điển. Phần phối khí khá hay hỗ trợ tích cực cho ca sĩ. Khánh Linh thể hiện tinh tế, sâu sắc và khoe được chất giọng đẹp của mình.

Nơi gặp gỡ tình yêu (NSƯT Thanh Lam), đây là album nhạc trữ tình cách mạng với cách thể hiện mới mẻ của Thanh Lam - nhẹ nhàng, tình cảm. Thanh Lam như một cuộc cách mạng với bản thân: Tiết chế năng lượng để mang cảm xúc đong đầy nhất đến với người nghe.

Yesteryear (Phùng Khánh Linh), album đầu tay đánh dấu bước tiến trong sự nghiệp sáng tác và cả giọng hát của Phùng Khánh Linh. Âm nhạc có cá tính, nhiều màu sắc hơn, ngoài pop ballad còn có dance, disco, R&B… Album do Linh sáng tác và thể hiện nên thuận lợi cho việc chuyển tải tinh thần của các bài hát.

VI. CHƯƠNG TRÌNH

Con đường không tên (Ban nhạc Bức Tường), chương trình trình diễn những bài hát trong album cùng tên và một số bài hát cũ. Nhìn chung là vẫn giữ được bản chất của Bức Tường 25 năm qua nhưng với tinh thần của thời đại mới, màu sắc nhịp điệu, hòa thanh mới; nhạc điện tử và rap cũng được đưa vào một số bài hát; đặc biệt Bức Tường có giọng ca chất lượng của thành viên mới - Phạm Anh Khoa. Tất cả những điều đó giúp chương trình hấp dẫn hơn.

Con người (Tùng Dương), Tùng Dương trình diễn những bản rock trong album Human và “rock hóa” một số bản nhạc đã gắn với tên tuổi của mình. Qua liveshow cho thấy một Tùng Dương với giọng hát đẳng cấp, đầy biến hóa, dồi dào năng lượng và khát khao lao vào những khám phá sáng tạo mới mẻ.

Đường chúng ta đi (NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Trọng Tấn), liveshow của tam ca nhạc đỏ nổi tiếng làng nhạc Việt, lần này ngoài những bài hát trữ tình cách mạng với bản phối mới mang tinh thần hiện đại còn có màu sắc acoustic, dân gian và những bản nhạc của Ý, Pháp. Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn đã mang lại cho khán giả một chương trình âm nhạc chất lượng đồng thời khẳng định sức sống trường tồn của dòng nhạc cách mạng.

Khúc hát phiêu ly (Đêm nhạc Phó Đức Phương), được dàn dựng kỹ lưỡng và với sự tham gia khá hùng hậu của các “sao”: NSƯT Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, NSƯT Minh Thu, Lan Hương, Phương Anh… Khúc hát phiêu ly là đêm nhạc chất lượng và là món quà dành cho nhạc sĩ Phó Đức Phương trong những tháng ngày khó khăn nhất của ông.

Rock Symphony (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), với những bản nhạc rock nổi tiếng thế giới được biểu diễn bởi dàn nhạc giao hưởng và ban nhạc rock đến từ châu Âu và châu Mỹ. Đêm nhạc đã bất ngờ làm khán giả “bùng nổ” cảm xúc. Và điều quan trọng hơn là chương trình đã mang yếu tố âm nhạc giao hưởng đến với đông đảo công chúng.

Vy - Live concert (NSƯT Hồng Vy), đây là đêm nhạc của một giọng ca được đào tạo bài bản. Chương trình gồm những bản nhạc mang tính chất thính phòng của Việt Nam và những bản trích từ các opera nổi tiếng. Với tinh thần “vượt qua số phận”, NSƯT Hồng Vy đã “rút ruột” gửi hết cảm xúc của mình vào các tác phẩm khiến nhiều khán giả phải thổn thức, rưng rưng…

VII. CHUỖI CHƯƠNG TRÌNH

Bandland (Công ty TNHH Dương Cầm) là chuỗi chương trình gồm 28 MV “live in studio”, giới thiệu 19 ban nhạc chuyên nghiệp và không chuyên với nhiều thể loại nhạc khác nhau trên kênh Youtube. Chuỗi chương trình nhằm phát triển mô hình ban nhạc tự sáng tác và biểu diễn tác phẩm của mình, phát triển phong trào ban nhạc “live” trước sự “xâm lấn” của nhạc điện tử và máy tính.

King of Rap (Cát Tiên Sa - VTV3) và Rap Việt (Vie Channel - HTV2) đây là 2 chương trình nhạc rap lên sóng truyền hình gần như cùng thời điểm. Cả 2 chương trình đều thu hút lượng người xem lớn, đặc biệt là chương trình Rap Việt. 2 chương trình này đã đánh dấu một chặng đường phát triển đáng ghi nhớ của nhạc rap Việt Nam, từ đề tài, kỹ thuật đọc rap, kỹ thuật gieo vần đôi, vần ba khi viết lời cho đến việc làm nhạc beat, phong cách trình diễn của rapper… Nó cũng đánh dấu giai đoạn rap Việt Nam từ underground đến với đông đảo công chúng và giới thiệu một thế hệ rapper đầy triển vọng cho thị trường âm nhạc.

Music Home (Truyền hình FPT), gồm 11 số, mỗi số của chương trình tương tự như một mini show của ca sĩ. Chương trình được xây dựng chất lượng âm thanh mang tiêu chuẩn nhà hát và công nghệ truyền hình mới dành riêng cho khán giả tại nhà và với sự góp mặt của những ca sĩ có cá tính như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Vũ Cát Tường, Hoàng Thùy Linh, Binz… đem lại nhiều thú vị cho khán giả.

VIII. NHẠC SĨ CŨA NĂM

Nguyễn Minh Cường, sáng tác 1 album CD, 2 album online, 1 livestreamconcert, cùng nhiều bài hát được các ca sĩ làm MV và trở thành bài hit của thị trường. Điểm mạnh trong sáng tác của Nguyễn Minh Cường là giai điệu giàu cảm xúc, “bắt tai”. Bài hát Hoa nở không màu của Nguyễn Minh Cường lọt vào đề cử Bài hát của năm của Âm nhạc Cống hiến năm nay.

Phùng Khánh Linh (sáng tác album Yesteryear), sau bản hit Hôm nay tôi buồn (ballad), album này được xem là phong phú về thể loại, với dance, disco, R&B… nhưng vẫn mang cá tính của Phùng Khánh Linh, cảm xúc cũng nhiều sắc màu hơn. Album được xem là cột mốc quan trọng trong bước đường sáng tác của Phùng Khánh Linh và cô củng cố vững chắc hơn nữa vị trí singer-songwiter trên thị trường âm nhạc.

Sa Huỳnh - Bùi Caroon (sáng tác album Human của Tùng Dương), mỗi người sáng tác 5 bài hát trong album của Tùng Dương, âm nhạc có chiều sâu, có cá tính. Những bài hát của họ là “chất liệu” quan trọng để Tùng Dương định hình một thể loại rock trong thể nghiệm lần này. Những bài hát của Sa Huỳnh và Bùi Caroon không “chiều” theo thị trường mà hướng đến nghệ thuật.

Võ Thiện Thanh (sáng tác album Khánh Linh’s Journey), những sáng tác của Võ Thiện Thanh trong dự án album của Khánh Linh lần này cũng là một sự khai phá, các ca khúc có chiều sâu mang âm hưởng nhạc phim, nhạc kịch hiện đại và phần nào những ca khúc mang âm hưởng của hợp xướng, đặc biệt đây là những ca khúc dành để thưởng thức chứ không phải để giải trí.

Hứa Kim Tuyền (sáng tác một số bài hát trong album Dreamee và một số MV của Amee), là nhạc sĩ sáng tác chính cho Amee, âm nhạc của Hứa Kim Tuyền dành cho Amee là những giai điệu đầy chất “teen”, hồn nhiên, trẻ trung, hiện đại nhưng mới lạ và rất cá tính. Góp phần tích cực vào việc xây dựng tên tuổi của một ca sĩ rất trẻ trong thị trường âm nhạc.

IX. CA SĨ CỦA NĂM

Trong hạng mục Ca sĩ của năm, xuất hiện ca sĩ của nhiều thế hệ.

Amee thuộc thế hệ 10X, giọng ca hồn nhiên, trong sáng với những bản nhạc trẻ trung, hiện đại và có nét riêng biệt do ê kíp sáng tác cũng khá trẻ mang lại. Amee đang là gương mặt hot đối với các trẻ sinh viên, học sinh. Những hoạt động chính của Amee năm qua là: phát hành album Dreamee, thực hiện Live acoustic show Dreamee, phát hành các MV Sao anh chưa về nhà; Yêu thì yêu không yêu thì yêu…

Nguyên Hà là ca sĩ trẻ sau Amee, năm 2020 Nguyên Hà có một số MV, nhưng quan trọng nhất là album Hôm qua, hôm nay và sau này. Nó như là “chân dung” giọng hát của cô. Qua album này cho thấy giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của Nguyên Hà đã đến độ chín, kỹ thuật tương đối hoàn thiện, chất giọng của Nguyên Hà phát huy mạnh mẽ nhất là ở những bản ballad. Album đem lại nhiều cảm xúc thú vị cho người nghe.

Tùng Dương và Khánh Linh được xem như cùng thế hệ nếu lấy Sao Mai - Điểm hẹn 2004 làm cột mốc. Ở Âm nhạc Cống hiến 2021, Tùng Dương có album Human, liveshow Con người và bài hát Cơn mưa tháng 5 lọt vào đề cử Album, Chương trình và Bài hát của năm.

Năm 2020, Tùng Dương vẫn sung sức, dồi dào năng lượng và quan trọng là giọng hát đẳng cấp đã được xác lập tiếp tục dấn thân vào con đường sáng tạo với thể nghiệm nhạc rock trong các sản phẩm âm nhạc của mình.

Khánh Linh, với album Khánh Linh’s Journey cùng Võ Thiện Thanh khám phá một loại âm nhạc mới - new age khá lạ lẫm ở Việt Nam. Với ý tưởng chủ đạo là gần gũi thiên nhiên và đi sâu vào tâm hồn con người, những bản nhạc mà Võ Thiện Thanh dành cho Khánh Linh mang chiều sâu nội tâm, nhưng cô đã chuyển tải xuất sắc cảm xúc và thông điệp của chúng bằng giọng hát “họa mi” vốn có của mình.

NSƯT Thanh Lam được xem là ca sĩ “gạo cội” trong hạng mục này. Điểm nhấn của Thanh Lam năm nay là album Nơi gặp gỡ tình yêu. Những bài hát trữ tình cách mạng được Thanh Lam thể hiện với một cảm thức khác trước đây, nhẹ nhàng, da diết, mới mẻ hơn. Được công chúng đón nhận nồng nhiệt khi Thanh Lam không còn lạm dụng “năng lượng” mạnh mẽ của giọng hát mình và điều đó cũng mang lại cho người nghe những bài hát thú vị.

THÔNG TIN VỀ LỄ TRAO GIẢI CỐNG HIẾN

Lễ họp báo bầu chọn, công bố kết quả, trao giải Cống hiến lần 16 - 2021 sẽ được tổ chức trực tuyến Hà Nội - TP.HCM vào ngày 7/1/2021.

Năm nay Công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng sẽ tiếp tục đồng hành với những sự kiện của Giải Âm nhạc Cống hiến.

Minh Khang