Đốt lửa trên đường sưởi ấm có vi phạm pháp luật?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:25, 30/12/2020

Việc đốt lửa trên mặt đường để sưởi ấm là một hành vi vi phạm pháp luật và có thể đem lại những hệ lụy xấu.

Trong những ngày gần đây khi đợt không khí lạnh đầu tiên tràn về đã gây ra rét đậm, rét hại diện rộng lên tòa miền Bắc. Khi cái lạnh đầu mùa tràn về Hà Nội, trên nhiều ngả đường của Thủ đô đã xuất hiện hiện tượng nhiều người dân đã đem củi gỗ ra đường, vỉa hè đốt để sưởi ấm. Mặc dù việc này có thể đem lại những lợi ích nhất thời trong những ngày đông giá rét. Tuy nhiên, liệu việc này có đem lại những hệ lụy gì không? Hơn hết việc mang củi ra đường đốt liệu có đang vi phạm quy định của pháp luật hay không? Đây là những vấn đề đang được nhiều độc giả quan tâm.

Để có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề này, phóng viên Báo Công lý đã có buổi làm việc với Luật sư Ngô Thị Thủy, Phó trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

dot-lua-suoi-am-co-vi-pham-phap-luat.jpg
Đốt lửa để sưởi ấm có thể đem lại những hệ lụy xấu. Ảnh minh họa

Luật sư Thủy nêu quan điểm: Thứ nhất, việc đốt lửa trên mặt đường để sưởi ấm là một hành vi vi phạm pháp luật và có thể đem lại những hệ lụy xấu.

Theo luật sư Thủy, trong những ngày vừa qua khi đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về đã gây ra rét đậm, rét hại. Vì vậy nhiều người dân đã lựa chọn việc đốt củi ở ngoài đường như là một giải pháp để sưởi ấm cho những ngày đầu đông này. Thế nhưng, việc này tuy có thể đem lại một chút lợi ích nho nhỏ nhưng hệ lụy nó đem lại một số những hệ lụy xấu, hơn nữa khi đánh giá hành vi này dưới phương diện pháp lý thì đây lại là một hành vi vi phạm pháp luật.

Một là, hành vi này đang vi phạm các quy định của luật bảo vệ môi trường. Như chúng ta đã biết trong những ngày gần đây khi người dân đốt lửa trên đường để sưởi ấm nguyên liệu chủ yếu để đốt chính là củi gỗ. Loại nguyên liệu này khi đốt có thành phần cấu tạo chính là từ xenluloza – cenllulose với các thành phần chính là Cacbon (Carbon); Oxy (Oxygen); Hydro (Hydrogen); Lưu huỳnh; Ni tơ (Nitrogen). Với một thành phần như vậy khi được đốt lên vật liệu cháy này sẽ giải phóng ra các khí CO (Carbon Monoxide); CO2 (Carbon dioxide); SO2 (Sulfur Dioxide); SO3 (Sulfur trioxide). Đây là những loại khí độc đối với con người và đang gây ô nhiễm không khí. Hơn nữa, sau khi đốt xong củi, sẽ để lại tro củi trên mặt đường làm nhem nhuốc, mất mỹ quan và gió có thể cuốn tro bụi vào không khí khi người khác hít phải tro bụi sẽ dễ gây bệnh về hô hấp. Việc này trong trường hợp vượt quá quy chuẩn kỹ thật môi trường đã vi phạm quy định tại điều 7 luật bảo vệ môi trường 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

...

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

...”

Hai là, hành vi này đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Việc đốt lửa để sưởi bằng củi trên mặt đường không chỉ là một hành vi gây ô nhiễm không khí, mà việc đốt lửa trên mặt đường có thể tạo ra nhiệt lượng lớn. Đối với các mặt đường hiện nay trong đô thị thường được rải nhựa đường, việc đốt lửa trên đường tạo ra nhiệt độ lớn khiến mặt đường có xu hướng nở ra, tuy nhiên không khí lạnh sau khi lửa tắt sẽ làm co mặt đường. Chính bởi sự co giãn đột ngột về nhiệt có thể làm cho mặt đường bị nứt, hư hại. Và hành vi tự ý đốt lửa trên đường cũng đã được quy định rất rõ trong việc xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại điểm b khoản 2 điều 15 Nghị định 46/2016/NĐ –CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt:

“2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Tự ý be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông; đặt ống bơm nước, bơm cát qua đường, đốt lửa trên mặt đường.”

Ba là, hiện nay một số người dân đang đốt lửa sưởi tại một số điểm có nguy cơ cháy nổ cao như bãi gửi xe, kho bãi, ... khiến cho nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao. Việc đốt lửa tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao rất có thể đã vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Thứ hai, hiện nay pháp luật cũng đã có những chế tài rất nghiêm khắc đối với việc tự ý đốt lửa nói trên.

Hiện nay, pháp luật cũng đã có các chế tài tương đối nghiêm khắc đối với các cá nhân có hành vi tự ý đốt lửa trên đường, nơi công cộng. Các chế tài xử phạt bao gồm có xử phạt hành chính và trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đốt lửa có thể sẽ bị áp dụng biện pháp hình sự.

+ Đối với việc xử phạt hành chính:

Như đã đề cập ở trên việc đốt củi để sưởi trên đường phát thải ra các khí độc hại đồng thời cũng phát sinh ra bụi vào không khí gây ô nhiễm môi trường. Nếu như việc này làm cho lượng khí thải và bụi vượt quá quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về lượng khí thải và bụi có trong không khí thì có thể bị xử phạt theo quy định của nghị định 155/2016/NĐ – CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt tối đa đối với cá nhân 1.000.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Riêng đối với hành vi vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường, nếu như hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần thì theo điều 15 nghị định 155/2016/NĐ – CP thì sẽ bị phạt cảnh cáo. Trong trường hợp mức khí thải vượt quá 1.1 lần thì sẽ bị xử phạt với các mức phạt tương ứng với lưu lượng khí thải đã thải ra.

Hơn nữa việc tự ý đốt lửa trên đường cũng đã vi phạm quy định về giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 15 Nghị định 46/2016/NĐ –CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt đối với cá nhân là từ 200.000 đến 300.000 đồng. Cụ thể:

“2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Tự ý be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông; đặt ống bơm nước, bơm cát qua đường, đốt lửa trên mặt đường.”

+ Đối với chế tài hình sự

Ngoài các chế tài phạt hành chính, trong trường hợp mà người đốt lửa sưởi ấm có hành vi đốt lửa tại các địa điểm dễ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải truy cứu TNHS thì có thể phải chịu TNHS về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại điều 313 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

...”

Như Loan