5 Bộ có số thứ trưởng vượt khung so với quy định
Chính trị - Ngày đăng : 16:05, 30/12/2020
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, giai đoạn 2016-2020, ngành Nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng đã tập trung thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm thể hiện trên các mặt như: công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ; Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thực hiện quyết liệt.
Công tác quản lý biên chế đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Công tác tuyển dụng, quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý các cấp được thực hiện bảo đảm đúng quy định. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công vụ trong thực hiện công vụ tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm; Công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và yêu cầu tiến độ đề ra...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích quan trọng đã đạt được trong 05 năm qua, ngành nội vụ vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Vì vậy đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến khắc phục và hoàn thiện; Làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành Nội vụ, phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp xử lý, tháo gỡ trong thời gian tới.
Tinh giản biên chế 67.218 người
Trình bày Báo cáo Tổng kết công tác giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết:
Trong giai đoạn này, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền ban hành 145 văn bản chính trị và pháp lý quan trọng trong các các mặt công tác nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính: Ở Trung ương giảm được 12 Vụ và tương đương; tăng 07 Cục, 02 Tổng cục và tương đương. Ở địa phương giảm 05 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, giảm 973 phòng, giảm 127 chi cục, giảm 1.179 phòng thuộc chi cục và 12 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 294 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; Ở Trung ương giảm được 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; giảm 24 đơn vị thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ; tăng 06 đơn vị sự nghiệp thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục. Ở địa phương giảm được 3.819 đơn vị sự nghiệp công lập.
Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế: (Khối công chức giảm 27.504 biên chế (đạt tỷ lệ giảm 10,01% so với năm 2015); Khối sự nghiệp giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn năm 2015 - 2020 là 67.218 người; giảm 147.290 người ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo cơ sở quan trọng hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Về số lượng cấp phó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại thời điểm ngày 10/10 có 01 bộ có 3 Thứ trưởng (ít hơn quy định 2 người) là Bộ Thông tin và Truyền thông; 6 bộ, ngành có 4 Thứ trưởng và tương đương (ít hơn quy định 1 người) là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.
Có 9 bộ, ngành có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định) gồm: Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Chính phủ. 4 Bộ có 6 Thứ trưởng là Bộ Ngoại giao (bằng số quy định); Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vượt 1); Văn phòng Chính phủ (vượt 1). Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bộ có 9 Thứ trưởng (vượt 3).
Như vậy, có 5 bộ có số lượng thứ trưởng nhiều hơn so với quy định gồm: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ. Số cấp phó vượt chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương.
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, toàn ngành đã thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Kết quả ở cấp huyện giảm 08/713 đơn vị (còn 705 ĐVHC); cấp xã giảm 557/11.160 đơn vị (còn 10.603 ĐVHC); sắp xếp thôn, tổ dân phố tổng số 98.455 thôn, tổ dân phố, giảm 38.369 tổ chức so với năm 2015.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2021, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu triển khai các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, với 10 nhiệm vụ trọng tâm và 07 giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành, đồng thời quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Vì vậy đề nghị ngành Nội vụ cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025 để xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, trong đó lưu ý tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Nội vụ được phân công.
Thứ hai, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính. Trước mắt, ngành Nội vụ tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, rà soát cơ cấu tổ chức bên trong các Bộ, ngành, địa phương, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; chế tài rõ ràng, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân khi xảy ra sai phạm.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch, quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ nổi cộm được dư luận, xã hội quan tâm.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý hội, tổ chức phi chính phủ; tham mưu giúp Chính phủ trong việc theo dõi việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi, bảo đảm tính đồng nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có cơ chế phát hiện và tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp cho đất nước, cho Nhân dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư - lưu trữ; bảo quản kho lưu trữ khoa học, hiện đại; tổ chức tốt việc khai thác, thu thập tư liệu lịch sử.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, trong đó lưu ý đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao ngang tầm khu vực, chú trọng ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ ; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ bảy, tập trung tham mưu giúp Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.