Xét xử vụ kiện dân sự giữa Tập đoàn FLC và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 20:39, 30/09/2019
Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1/10/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng”. Nội dung bài viết nêu, Tập đoàn FLC đang nợ Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) hàng trăm tỷ đồng theo 2 hợp đồng xây dựng số 18 và số 57 nhưng không chịu trả. Phản ứng lại điều này, Tập đoàn FLC cho rằng, thông tin mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải trong bài viết là sai sự thật.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Theo Tập đoàn FLC, tính đến ngày 1/10/2018, Tập đoàn FLC và Công ty Hòa Bình vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi để chốt nợ. Đến nay, việc thanh quyết toán hai hợp đồng trên giữa tập đoàn FLC và Công ty Hòa Bình vẫn chưa xong vì còn một số điểm chưa đồng nhất.
Tại phiên tòa, đại diện của Tập đoàn FLC cho rằng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã cố ý đưa tin không chính xác, đưa thông tin mang tính chất tiêu cực, xâm phạm uy tín của Tập đoàn FLC, khiến đối tác và thị trường nhìn nhận không đúng về Tập đoàn FLC, qua đó gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn FLC.
Từ đó, Tập đoàn FLC yêu cầu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bồi thường 14,9 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC còn đề nghị Tòa tuyên buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trình bày trước HĐXX, đại diện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, thông tin trong bài báo trên là dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật Báo chí và báo chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đó.
Cũng tại phiên tòa xét xử, đại diện Công ty Hòa Bình cho biết, Tập đoàn FLC đang nợ họ hàng trăm tỷ đồng là sự thật. Đến nay, mặc dù Công ty Hòa Bình đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Tập đoàn FLC trả nợ nhưng Tập đoàn FLC vẫn chưa trả.
Về nội dung này, đại diện của Tập đoàn FLC cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC chưa chốt được số nợ cụ thể với Công ty Hòa Bình.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND quận Cầu Giấy xác định, xét về hai Hợp đồng kinh tế số 18 và số 57 được ký giữa Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC đều quy định rõ thời gian thanh toán. Do đó, hai hợp đồng là có giá trị và hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện hai hợp đồng này.
Thực tế cho thấy, cuối tháng 7/2018, giữa Tập đoàn FLC và Công ty Hòa Bình vẫn chưa thống nhất được phương thức thỏa thuận, số tiền phải thanh toán với nhau.
Theo quy định của pháp luật, Công ty Hòa Bình phải có đơn gửi đến Trọng tài thương mại hoặc Tòa án có thẩm quyền để giải quyết, nhưng việc Công ty Hòa Bình lại có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí (có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) là không đúng những quy định trong hai bản hợp đồng mà hai công ty đã ký.
Liên quan công nợ giữa Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC, HĐXX nhận thấy, Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC đang thỏa thuận, thương lượng để đi đến thống nhất.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải một số bài viết, hai công ty có hai lần gặp nhau nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất số tiền phải thanh toán cho nhau.
Tại biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng giữa hai bên thể hiện biên bản nghiệm thu không có bên Tập đoàn FLC tham gia, từ đó dẫn đến việc hai bên chưa thống nhất được số tiền phải thanh toán.
Về phía Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, HĐXX cho rằng, việc điều tra, xác minh của báo căn cứ vào các tài liệu đều không thể hiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Tập đoàn FLC trước hay sau khi đăng bài phản ánh về việc Tập đoàn FLC chây ì khoản nợ với Công ty Hòa Bình, và trên thực tế thì hai công ty vẫn đang thương lượng, hòa giải về số tiền nợ trong hai hợp đồng kinh tế số 18 và số 57.
Như vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa xác minh làm rõ nguyên nhân, chưa đảm bảo tính khách quan khi đăng tải bài viết, khi đăng chưa xác minh, tìm nguyên nhân nợ đọng giữa hai công ty là vi phạm quy định của Luật báo chí.
Từ những phân tích và nhận định nêu trên, HĐXX TAND quận Cầu Giấy đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi Tập đoàn FLC trên báo chí và gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã được đăng, phát.
Ngoài ra, HĐXX cũng buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bồi thường cho Tập đoàn FLC số tiền 14,9 triệu đồng.