Dự án sân bay Long Thành: Thảo luận kỹ để “chốt” ở kỳ họp sau
Chính trị - Ngày đăng : 07:39, 05/11/2014
Việt Nam nhất định phải có sân bay
Phát biểu tại họp tổ về dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau khi lắng nghe nhiều ý kiến có nhắc rằng, dự án này đến kỳ họp sau của Quốc hội mới "chốt", và theo chương trình không có chuyện thông qua tại kỳ họp này. Ông cho rằng, dự án đưa ra gấp, nhưng gấp mà không đưa ra thảo luận, thì để mãi cũng thành chưa thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin thêm việc ông đã trao đổi với Thủ tướng, và sắp tới dự án cũng phải trình Hội nghị Trung ương xin ý kiến. Ông cũng lưu ý, thảo luận dự án không phải chỉ một giai đoạn, quyết chủ trương đầu tư không phải quyết 1 giai đoạn mà quyết cả 3 giai đoạn.
"Tiền bạc cũng phải quyết cả 3 giai đoạn. Sơ đồ tài chính thế nào, phân kỳ thời gian khởi công, hoàn thành, cuối cũng là hiệu quả, đánh giá. Như ý kiến của chuyên gia cho rằng đánh giá như thế là hơi khả quan. Vốn tìm kiếm ở đâu cũng mới nói khả năng chỗ này thôi, nhưng phải tính. Trước khi Quốc hội quyết, bấm nút phải báo cáo tương đối chắc chắn. Thông qua kỳ này Thường vụ Quốc hội có kết luận, Quốc hội yêu cầu chuẩn bị thêm, chuẩn bị rõ, tiếp tục trình Quốc hội, lần này chưa quyết" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, ông đã "biết ngay công trình chưa thể chốt ngay trong kỳ họp", nên đề nghị đưa ra để Quốc hội thảo luận, tiếp tục chuẩn bị kỹ.
"Nhân cơ hội này phải nắm bắt ngay tình hình của Quốc hội, tổng hợp tình hình ngay, báo cáo ra Trung ương, không ra Trung ương hỏi lại như Quốc hội hỏi lại thì dở lắm. Bây giờ sao luôn bản gửi Quốc hội và Trung ương là không thành công đâu. Chủ trương vấn đề lớn lắm, ĐBQH ta nói đơn giản, chỉ có 18 tỷ, 18 tỷ có phải tiền Việt đâu, thế tiền đâu? Chắc gì đã 18 tỷ, chuyện này không hề nhỏ, ta phải tính toán kỹ".
Về vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể mở rộng Tân Sơn Nhất nữa, nhưng cũng phải chứng minh cho mọi người là không thể mở rộng được. "Việt Nam không thể không có sân bay để đáp được, dứt khoát phải làm rồi, chính câu hỏi bây giờ là bao giờ làm, làm hết bao tiền, tính hiệu quả thế nào, lấy tiền đâu mà làm, kỹ thuật nữa", Chủ tịch Quốc hội nói.
Dự án cần chỉ rõ hạn chế, khó khăn
Theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), để khắc phục sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, miền Nam cần một sân bay ở chỗ khác và Long Thành là địa điểm thực sự phù hợp. "Tôi tán thành đất nước phải có đầu tư" - ĐB Sơn nói.
Tuy nhiên, "Nếu ấn nút làm luôn là câu chuyện khó trong bối cảnh nguồn tài chính cụ thể. Tôi ủng hộ nhất trí thông qua chủ trương, tiến hành thủ tục đầu tiên cho việc xây dựng cảng hàng không, còn thời gian, quy mô cụ thể, thì cân nhắc giai đoạn tiếp theo".
Đồng thời, ĐB Sơn cũng lưu ý, dù dự án đang xin ý kiến chủ trương của QH, nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn thiên về khả năng có thể thực hiện, sự thuận lợi nhiều hơn. ĐB đề nghị, báo cáo của Chính phủ phải nhìn nhận rõ hạn chế và khó khăn.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh)
Cũng ủng hộ dự án phải được xúc tiến sớm, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) dứt khoát "cần phải xây dựng" và phân tích cụ thể, "Chúng ta phải có sân bay tầm cỡ quốc tế. Các sân bay trước 1975 mở rộng rất khó. Chúng ta tính tiếp việc nợ, không phải làm ngay, mà có phương án chi tiết hơn, hạn chế thấp nhất tham nhũng, để người dân, thế hệ mai sau hưởng thụ. Đến 2020 phải làm, tốt hơn là 2016 - 2017" - ĐB Gòn nói.
ĐB Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo về dự án gửi Quốc hội rất chu đáo. Đồng tình chủ trương đầu tư dự án Long Thành, ĐB mong, ngoài chuyện giảm tải cho Tân Sơn Nhất, thì còn có sân bay xứng tầm một quốc gia có 100 triệu dân (2020) và cũng để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, ĐB Chiến kỳ vọng, Chính phủ cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tính toán lượng hành khách, hàng hóa. Cần có con số dự báo thuyết minh thuyết phục hơn. Ngoài ra, cũng cần so sánh xem khi xây dựng Long Thành rồi, thì phía Bắc, sân bay Nội Bài trong sử dụng năng lực vận tải hàng hóa hành khách ra sao, để qua đó, xác định quy mô tương xứng của Long Thành trong từng giai đoạn phù hợp.
Cần thiết nhưng chưa cấp thiết
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM cho rằng, ai cũng mong đất nước có công trình to đẹp, nhưng phải tính kỹ đến hiệu quả kinh tế - xã hội, vốn ở đâu để làm?, tác động nợ công ra sao?,dư luận người dân ra sao?, khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa như thế nào, vì chúng ta đang có nhiều sân bay quốc tế trong khu vực như Phú Quốc, Cần Thơ...
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị làm rõ tính cấp thiết của dự án này. “Đông đảo cử tri TPHCM không đồng ý nếu mở cửa sân bay Long Thành, nhưng lại đóng sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu không đóng cửa, thì quy mô đến năm 2030 của sân bay Long Thành là quá lãng phí”, ĐB Dung nói.
Thảo luận tại tổ của đoàn ĐBQH TP.HCM
Đồng thời, ĐB Dung cũng kiến nghị, đoàn ĐBQH TP.HCM đã tiếp xúc với các chuyên gia hàng không lâu năm, và nhận thấy, Chính phủ cần mở rộng lấy ý kiến các chuyên gia hàng không cả trong và ngoài nước về dự án này.
Từ đó, ĐB Dung nhấn mạnh, dự án trong tương lai là cần, nhưng chưa cấp thiết trong thời điểm này. Nhất là trong bối cảnh nợ công đang hết sức đáng ngại, không còn an toàn.
Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) nói thêm, quy hoạch giao thông - vận tải (GT-VT) là rất lớn, phải liệu cơm gắp mắm, không thể làm cùng lúc. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng nhưng khai thác chưa hiệu quả. Đầu tư công trong GT-VT là lớn nhất, nợ công lại đang gia tăng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cẩn trọng đưa ra ý kiến, đây là dự án lớn, không thể quyết định vấn đề lớn trong một thời gian ngắn, vẫn còn kỳ họp sau để xem xét. Trong thời gian đó, Chính phủ cần tổ chức các hội nghị phản biện về dự án. Kỳ họp tới, Chính phủ trình lại Quốc hội để quyết định. Dự án lớn phải cẩn trọng, vì ĐBQH chưa thể thẩm định chính xác về dự án. Kỳ tới Quốc hội cho chủ trương, thì phải kèm báo cáo khả thi.
Trước khi kết thúc buổi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Chính phủ phải trả lời thỏa đáng những băn khoăn mà Ủy ban Kinh tế, cũng như qua thảo luận các ĐB đã đặt ra, nếu không rất khó để Quốc hội bấm nút”.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào trong phiên họp ngày 29/10 để xin chủ trương đầu tư. Theo lịch dự kiến trước đó thì ngày 28/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không. Tuy nhiên trước phiên khai mạc, nội dung này đã được đưa ra khỏi kỳ họp, thay vào đó chỉ tiến hành cho ý kiến. Dự án Sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn II theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18,7 tỷ USD. |